Tỉnh Hòa Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
(ĐCSVN) - UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu việc thực hiện kế hoạch phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; trong đó lực lượng Công an và ngành giao thông vận tải là nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
CSGT tỉnh Hòa Bình hướng dẫn về các loại biển báo giao thông cho học sinh |
Ngày 01/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu việc thực hiện kế hoạch phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; trong đó lực lượng Công an và ngành giao thông vận tải là nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện; phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu triển khai 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện kế hoạch gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý về giao thông; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Thiết lập trật tự, an toàn giao thông đô thị./.