Tín hiệu lạc quan từ bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1/2024
(ĐCSVN) - Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, một số điểm sáng kinh tế tháng 1/2024 được nhắc đến gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu... Song song là những dự báo lạc quan về kinh tế 2024 của các tổ chức quốc tế.
Cụ thể, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 được Tổng cục Thống kê công bố định kỳ chỉ rõ, sản xuất nông nghiệp trong tháng đầu tiên của năm 2024 chủ yếu tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Đáng chú ý, chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ước tính đến thời điểm cuối tháng 01/2024 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số bò tăng 0,4%; tổng số trâu giảm 1,2%; tổng số gia cầm tăng 3,6%. Tính đến ngày 23/01/2024, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng còn ở Hòa Bình, Cao Bằng; dịch cúm gia cầm còn ở Bắc Ninh, Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở Tiền Giang; dịch tả lợn châu Phi còn ở 16 địa phương chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, sản lượng thủy sản tháng 01/2024 ước đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2023.
Ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2024 tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023 (Ảnh: PV) |
Điểm sáng nổi bật ngay từ tháng 1 phải kể đến sản xuất công nghiệp, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ 2023 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm 2023.
Thêm vào đó, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ 2023. Gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2023.
Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 01/2024 ước đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2024 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2023. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2024 có 11 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 16,2 triệu USD, gấp 9,3 lần so với cùng kỳ 2023.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng (Ảnh: PV) |
Một số liệu có bước nhảy vọt ấn tượng chính là ở lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo số liệu thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ 2023. Lý giải về điều này, Tổng cục Thống kê cho rằng, phần nhiều do chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện rộng khắp, cùng với Việt Nam luôn là điểm đến an toàn và thân thiện.
Cũng trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra rất nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Đơn cử, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao (6-6,5%). Một số tổ chức khác như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng hàng đầu châu Á (UOB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%.
Thêm nữa, giới chuyên gia và các xu hướng kinh tế thế giới cũng dự báo xuất hiện các tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới có nhiều triển vọng lạc quan trong năm 2024.
Quyết tâm phát huy vai trò nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế (Ảnh: PV) |
Cụ thể, nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý, với việc ngày càng thích nghi tốt hơn kỳ vọng, tiếp tục diễn ra theo chiều hướng khả quan trong năm 2023. Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu ở mức 8,9% vào 2023 và dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm 2024. Cộng với các ngân hàng trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến, đây là tin tốt cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Tiếp đến là sự bùng nổ của thị trường tài chính. Các chỉ số hàng đầu của Phố Wall gần hoặc vượt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2023. Thị trường trái phiếu cũng kết thúc năm một cách mạnh mẽ. Và cơ hội "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2024 đã tăng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thành công trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây nên suy thoái. Nhiều nền kinh tế khác đang hứa hẹn có triển vọng tốt. Ấn Độ, Mexico và Việt Nam đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư mong muốn tăng đầu tư vào các thị trường này trong năm tới. Quản lý kinh tế thận trọng cũng được thực hiện tại nhiều nước. Nợ chính phủ của Hy Lạp đã trở lại mức khuyến nghị đầu tư sau một thập kỷ gián đoạn. Các ngân hàng trung ương ở nhiều nước đang phát triển cũng đi đầu trong việc kiểm soát lạm phát. Cuối cùng, 2023 là một năm tốt đối với lĩnh vực công nghệ như một số người đã mong đợi. Việc các doanh nghiệp áp dụng AI tạo sinh vào năm 2024 có thể giúp hỗ trợ tăng năng suất, vốn đã có những dấu hiệu khởi sắc ở Mỹ... Tuy nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ đối mặt với những thách thức trong năm 2024 nhưng sau màn thể hiện kiên cường trong năm 2023, vẫn có cơ hội để nền kinh tế thế giới phát triển tốt hơn dự kiến.
Có thể thấy, sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 cùng niềm tin của các tổ chức quốc tế với dự báo triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam tới đây, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh và diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới./.