Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 
 
 
 

Trong không khí vui mừng và phấn khởi Ngày tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã thể hiện sâu sắc tình cảm yêu quý và lòng biết ơn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, với những cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hình ảnh hàng vạn người dân đổ ra đường, chào đón quân đội ta trở về với lòng tự hào và niềm vui sướng tràn ngập là biểu hiện rõ nét cho tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình.

Các cuộc diễu hành, những tiếng hô vang “Độc lập” và “Hồ Chí Minh” đã trở thành những kỷ niệm không thể quên trong tâm trí của mỗi người dân. Ngày tiếp quản Thủ đô không chỉ là một sự kiện chính trị, mà còn là một biểu tượng cho lòng yêu nước, tinh thần kiên cường và sự đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Tình cảm ấy vẫn còn vang vọng đến hôm nay, nhắc nhở các thế hệ sau về những hy sinh và đóng góp lớn lao của cha ông ta cho độc lập, tự do của đất nước.

TIẾP NỐI LỊCH SỬ 70 NĂM CÁCH MẠNG HÀO HÙNG

Trong những ngày mùa Thu tháng 10 lịch sử, Hà Nội đang rộn ràng chào mừng 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu lịch sử, văn hóa ý nghĩa. Trên mỗi con đường, góc phố Thủ đô ngập tràn ánh sáng của niềm vui. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, hòa cùng tiếng hò reo phấn khởi của người dân, tạo nên một bức tranh sống động về tình đoàn kết và niềm tin vào tương lai tươi sáng đất nước. Ngày tiếp quản lịch sử năm xưa không chỉ là sự kết thúc của cuộc kháng chiến, còn là sự khởi đầu một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tái hiện không gian Hà Nội giai đoạn Toàn quốc kháng chiến từ năm 1947 đến ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, một hoạt động chào mừng 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô, tổ chức ngày 5/10/2024 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 Không khí phấn khởi Ngày tiếp quản được tái hiện sống động, mang đậm hơi thở của thời đại, khơi gợi ký ức lịch sử, giúp kết nối thế hệ hôm nay với những giá trị truyền thống, thể hiện trân trọng công lao các thế hệ cách mạng.

Trong dịp này, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền văn hóa, hội thảo, điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô, trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, biểu dương điển hình tiên tiến và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Kết thúc Lễ kỷ niệm sẽ là chương trình nghệ thuật ánh sáng đặc biệt diễn ra vào tối 10/10, mang lại không khí phấn khởi và hào hùng cho nhân dân Thủ đô.

Phụ nữ Thủ đô văn minh, thanh lịch, tiếp nối truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Hướng tới mục tiêu trở thành đô thị "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" vào năm 2030, Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện đậm nét trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.

Hà Nội hiện có quy mô kinh tế tương đương 1/8 quy mô kinh tế cả nước. Giai đoạn 2021- 2022, tổng thu ngân sách của Hà Nội khoảng 332.089 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước có mức tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008). Số liệu Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, tổ chức mới đây cho thấy, GRDP bình quân đầu người Thành phố Hà Nội đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước.

Ngành công nghiệp Thủ đô đang tăng tỷ trọng trong các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Thành phố đã có 9 khu công nghiệp (KCN), 70 cụm công nghiệm (CCN) đang hoạt động, khoảng 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin, 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung cả nước. Khu công nghệ cao Hòa Lạc một trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo số liệu Sở Công Thương Hà Nội, Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 314 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống cả nước. Trong số các làng nghề của Hà Nội có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 1000 - 2500 tỷ đồng/năm. Các làng nghề của Hà Nội giàu tính sáng tạo, sản phẩm thủ công đa dạng, giàu bản sắc văn hóa, như làng đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, nghề mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động… đã nổi tiếng khắp cả nước.

Đặc biệt, sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng , làng cốm Mễ Trì… được công nhận là thương hiệu quốc gia. Những làng nghề truyền thống không chỉ đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Thanh niên Hà Nội tiếp nối truyền thống Thủ đô anh hùng. 

Hà Nội cùng ngành Văn hóa, các cấp chính quyền và cộng đồng nỗ lực phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Thành phố hiện có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Cùng đó Hà Nội đang lưu giữ hệ thống trên 1.000 lễ hội truyền thống gồm các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau, các lễ hội thể hiện đậm nét tinh thần, đặc trưng văn hóa, lịch sử, con người và dấu ấn hơn ngàn năm văn hiến của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Năm 2022, Hà Nội vinh dự là thành phố được lựa chọn tổ chức SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn, quan trọng của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng các hoạt động quốc tế cùng tổng hòa, khẳng định Thủ đô Hà Nội là một trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.

Tiếp nối hành trình 70 năm lịch sử, Hà Nội hôm nay đã và đang khẳng định vai trò là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, một trung tâm văn hóa, kinh tế và giáo dục lớn. Những giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, phát huy, tạo động lực phát triển cho người dân, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, quốc phòng an ninh được giữ vững. Các danh hiệu đạt được như "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo" đang tiếp tục khẳng định vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế./.

Thế Dương (Đồ họa có sử dụng ảnh tư liệu)
09/10/2024 16:58
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN