Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tìm giải pháp để giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Chủ Nhật, 24/10/2021 11:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho ngành chăn nuôi. Đây cũng là thời điểm sản phẩm chăn nuôi ứ đọng nhiều, tiêu thụ khó khăn, đặc biệt việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đã đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh giá thành sản xuất cao trong khi giá bán thấp, dẫn đến thua lỗ.

Chính vì vậy, để thích ứng trong tình hình mới hiện nay, việc chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành sản xuất là giải pháp hết sức quan trọng để gỡ khó cho người chăn nuôi.

 Việc sản xuất thức ăn phục vụ cho ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (Ảnh: BT)

9 tháng năm 2021 đã chứng kiến ngành chăn nuôi chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở trong nước. Rất nhiều các nông hộ, trang trại chăn nuôi rơi vào tình trạng không thể cầm cự khi thiếu hụt nguồn vốn để xoay vòng. Đồng thời, với giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp, từ lợn, gia cầm,..., thậm chí còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất cho nên dẫn đến việc thua lỗ.

Một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng trên, đó là giá thành sản xuất tăng lên cao do chịu chi phí tăng từ giá thức ăn chăn nuôi. Trong 9 tháng năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 6-36%, gây rất nhiều trở ngại cho người chăn nuôi khi phải đội chi phí.

Thực tế hiện nay, sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước đang có thế mạnh về xây dựng vùng nguyên liệu và có nguồn phụ phẩm rất lớn từ nông nghiệp có thể làm đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chính vì vậy, đây là bài toán mà toàn ngành chăn nuôi đang tập trung từng bước tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cũng đã nêu rất rõ những nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong số đó là: “Tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu”. Nếu giải được bài toán này, không chỉ là giải pháp “cứu cánh” rất lớn cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay mà còn đóng góp lâu dài cho tương lai phát triển của ngành chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Tính riêng trong 8 tháng năm 2021, tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu từ dịch COVID-19 dẫn đến các tháng đầu năm 2021, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16-46%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Cụ thể: ngô hạt 7.616,7 đg/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091,0 đg/kg (tăng 35,5%), cám mì 6.716,7 đg/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đg/kg (tăng 19,2%), cám gạo chiết ly 4.936,1 đg/kg (tăng 16,1%),…Chính giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng đã dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng.  

Việc giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng cao đã tạo nên thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2021, ảnh hưởng tới việc tái đàn, đặc biệt gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, bởi đây là yếu tố chiếm tới 65-70%. Mỗi năm ngành chăn nuôi và thủy sản cần tới 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại, trong đó, hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu có sẵn để phối trộn để cho gia súc, gia cầm ăn, không phải dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Còn lại tổng sản lượng 26 triệu tấn gồm cho thức ăn chăn nuôi và thủy sản để phục vụ cho lượng lớn sản phẩm chăn nuôi, để từ đó cung cấp cho tiêu dùng trong nước và vừa cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chinh, một năm, Việt Nam nhập khẩu một sản lượng lớn, khoảng gần 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô, đậu tương, cám mỳ, DDGS (bã ngô),…về để làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, thời gian qua, với thức ăn chăn nuôi, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm là ngành sử dụng nguồn thức ăn lớn, chỉ đứng sau lợn. Do vậy, bắt đầu từ tháng 7/2020 đến nay, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-40%, dẫn đến giá thức ăn thành phẩm tăng tương xứng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi của ngành gia cầm.

Theo ông Sơn, trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi gia cầm gần như không có lãi. Đây là năm đầu tiên tăng trưởng âm cả về sản lượng, đặc biệt là về giá trị. Theo đó, giá gà có thời điểm xuống dưới 7-8 nghìn đồng/kg, giá giảm 60- 70% so với trước đây.  

Trên thực tế, đối với thịt lợn, 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000-75.000 đg/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đg/kg). Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá lợn đã giảm mạnh, tại nhiều địa phương còn xuống dưới 40 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đg/kg. Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021, thậm chí còn thua lỗ.

Tìm nguồn thay thế từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào

Để gỡ khó cho khâu đầu vào của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần tìm giải pháp để giảm nguồn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu giải quyết được bài toán này, sẽ giúp cho người chăn nuôi gỡ khó cho khoản đầu vào, giảm chi phí và giá thành cho sản xuất chăn nuôi, vượt qua giai đoạn đang có quá nhiều khó khăn hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, ngành chăn nuôi cần tập trung vào giải quyết vấn đề phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay, tổng phụ phẩm nông nghiệp của chúng ta bao gồm từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản có khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, với phụ phẩm từ thủy sản, có thể sử dụng được phần cá thu gom phơi, sấy khô, tiệt trùng làm bột cá cho thức ăn chăn nuôi.

Nguồn phụ phẩm tiềm năng nhất là từ chăn nuôi, theo tính toán, hiện chúng ta có thể tận dụng khoảng 61,4 triệu tấn phụ phẩm từ ngành chăn nuôi. Đây cũng chính là nguồn protein có thể chuyển đổi làm thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu sử dụng phù hợp.

Cũng theo ông Chinh, một lượng phụ phẩm lớn nữa là cây trồng, bao gồm sau thu hoạch và chế biến. Mỗi năm chúng ta sản xuất lúa được khoảng 43 triệu tấn, tỷ lệ rơm thu về tương ứng 43 triệu tấn rơm. Rơm được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên, có thể làm thức ăn ủ chua cho gia súc ăn cỏ.

“Nếu tính tổng lượng phụ phẩm trồng trọt mới đưa vào sử dụng được 52%, còn lại chưa trở thành mục đích sử dụng của con người. Tôi cho rằng đây là tiềm năng lớn, thân cây chuối, bã ngô, lõi ngô…có thể chế biến làm thức ăn chăn nuôi” – ông Chinh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng nhấn mạnh, muốn tận dụng tốt các phụ phẩm này, cần phải có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ mới sử dụng được triệt để và mang lại hiệu quả cao.

Không chỉ tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, việc chủ động trồng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là giải pháp được tính đến để giảm áp lực cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực tế, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng có một nghịch lý là chúng ta phải nhập một lượng lớn ngô, đậu tương về làm thức ăn chăn nuôi. 

Đối với sản xuất ngô ở Việt Nam, hiện tổng diện tích trồng dao động từ 900 -1.100 nghìn ha. Trong thời gian qua, diện tích trồng ngô giảm đáng kể do giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, năng suất chưa cao,…Chính vì vậy, để tăng diện tích trồng ngô, ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng cây Lương thực, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần chuyển đổi nội bộ các giống ngô trên diện tích đã được sử dụng. Đồng thời, mở rộng diện tích ngô ở vụ đông. Thứ nữa, với những diện tích lúa kém hiệu quả, có thể chuyển sang các cây trông khác, trong đó có cây ngô.

Đáng chú ý, việc trồng ngô sinh khối đang là hướng đi nhận được nhiều sự quan tâm. Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thực tế trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, trồng ngô sinh khối đã được chú trọng rất nhiều. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức rất nhiều dự án về trồng ngô sinh khối, đưa ra gói kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản, chế biến để đạt sinh khối tốt nhất.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều dự án về trồng ngô sinh khối. Các dự án được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Dự án đã đưa ra gói kỹ thuật, hướng dẫn từ quy trình chăm sóc đến chế biến. Đặc biệt chuẩn bị tốt thức ăn thô xanh cho đàn gia súc vào mùa đông. Hiệu quả từ trồng ngô sinh khối đã giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, ủ chua.

Bên cạnh đó, để chủ động nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi, đưa ngô sinh khối, cám gạo làm nguyên liệu thức ăn. Thứ nữa, chúng ta phải tăng diện tích trồng đậu tương để chế biến thức ăn chăn nuôi. Bởi diện tích trồng đỗ tương hiện nay chỉ đủ phục vụ cho tiêu dùng của người dân.

Cùng với các giải pháp trên, ông Sơn nêu quan điểm, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể để phát triển thức ăn chăn nuôi trong nước.

“Chừng nào chúng ta còn phải "ăn đong" thì chúng ta còn lệ thuộc và giá thành vẫn cao. Do vậy, cần có ngay chiến lược tổng thể về phát triển thức ăn chăn nuôi trong nước, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Ví dụ từ nay đến năm 2030 chủ động được bao nhiêu phần trăm các loại nguyên liệu? Để có được điều này, cần có chính sách về tín dụng, ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu” – ông Sơn đề xuất.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá nghiêm túc có hay không câu chuyện các “ông lớn” làm giá thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, cần có khâu hậu kiểm thức ăn chăn nuôi khi thực tế thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng có ghi nhận việc chất lượng thành phẩm thức ăn chăn nuôi lại giảm.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, trong đó có giải pháp rất quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm, để thực hiện được điều này, cần có lộ trình cụ thể. Đặc biệt, về trung hạn, dài hạn cần áp dụng đồng bộ các giải pháp như: chủ động một phần nguồn nguyên liệu, cụ thể là ngô và đậu tương. Phải có các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa máy móc vào sử dụng. Muốn làm được điều này, phải sửa Luật Đất đai, cho tăng ngưỡng số lượng đất đai được tích tụ. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm lớn, coi đây là nguồn đầu vào để thực hiện nông nghiệp tuần hoàn. Thứ nữa, phải chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chăn nuôi. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; áp dụng quy trình chăn nuôi để có thể sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào và tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng; giảm các khâu trung gian để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi,…

Ngoài các giải pháp trên, để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi hiện nay, thực tế còn phụ thuộc vào việc mở cửa của các địa phương để thông thương nguyên liệu. Từ đó, giúp chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, góp phần làm giảm các chi phí cấu thành nên giá sản phẩm. Đây chính là giải pháp trước mắt, nếu điều kiện cho phép, cần làm ngay để sớm ổn định lại ngành thức ăn chăn nuôi./.

 

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN