Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân
(ĐCSVN) – Có những lãng phí không thể đong đếm được như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách. Khi việc tiết kiệm chưa trở thành phẩm chất của mỗi một công dân, cán bộ thì mọi kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí cũng chỉ mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất.
Làm thế nào để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề nóng tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về công tác này, sáng 26/7.
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, trong việc đánh giá lãng phí chưa sâu, chưa sát. Dẫn chứng tình trạng lãng phí trong đầu tư công, thực hiện các dự án đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc giải ngân đầu tư công chậm là phần lãng phí do phải trả tiền lãi, dự án triển khai chậm dẫn đến không đưa được vào sử dụng hiệu quả, công trình không đúng tiến độ gây chậm các công trình và nhiều hoạt động xã hội có liên quan.
Hay một vấn đề trong báo cáo cũng đề cập chưa rõ, đó là vấn đề lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ. Thời gian qua chúng ta đã cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nhưng trong lực lượng biên chế còn lại đã sử dụng bao nhiêu phần trăm lực lượng cán bộ đó có hiệu quả?.
Dẫn tình trạng lãng phí trong việc người cán bộ, công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bổ nhiệm, đại biểu Cường lưu ý, ở đây liên quan đến đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, công tác đánh giá cán bộ như thế nào để không xảy ra lãng phí.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), tiết kiệm, chống lãng phí là phạm trù rất rộng. Đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai nhưng có những cái lãng phí không thể đong đếm như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách. Chính vì vậy, lãng phí là nghiêm trọng, đáng lên án, đáng phê phán vì lãng phí là mất, khó thu hồi được.
Ông Trí cho hay cử tri xót xa vô cùng khi thấy nhiều mảnh đất rộng, bị hoang hoá 3 năm, 5 năm, thậm chí là hơn chục năm.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), lãng phí là nghiêm trọng, đáng lên án, đáng phê phán vì lãng phí là mất, khó thu hồi được. (Ảnh: TL) |
“Chống lãng phí thì phải gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải là đợi để bắt, xét xử rồi cho vào tù khi họ gây ra lãng phí. Việc này cũng khó vì có rất nhiều việc không đo đếm được, không lượng hóa được, khó bắt, khó quy tội. "Thực ra khi đó cũng không hiệu quả ”, đại biểu Trí nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí, phải đưa nó trở thành một nếp sống của từng cá nhân trước khi nó là một yêu cầu đối với một cán bộ, công chức ở một cơ quan. “Có nghĩa là tiết kiệm, chống lãng phí trở thành quốc sách. Để tiết kiệm, chống lãng phí trở thành quốc sách chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy hiện nay có nhiều nơi, nhiều người hiểu còn chưa đúng về thế nào là tiết kiệm, chống lãng phí. ĐBQH Nguyễn Việt Nga (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Dương) bày tỏ trăn trở làm sao cho việc tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ nằm trong kế hoạch hằng năm và không chỉ được định lượng bằng các chỉ tiêu bắt buộc, mà việc chống lãng phí nó phải trở thành phẩm chất của mỗi người dân, của mỗi một công dân.
“Tôi nghĩ rằng việc tiết kiệm, chống lãng phí phải được nâng lên thành ý thức và thành lối sống của con người. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải là những người nêu gương đầu tiên từ trong những việc nhỏ nhất trong cuộc sống của mình”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Nga, khi việc tiết kiệm chưa trở thành phẩm chất của mỗi một công dân thì tất cả mọi kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí của chúng ta sẽ mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất.
Để việc tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn thì cần có sự thay đổi từ trong nhận thức, trong giáo dục lối sống của mỗi con người và điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay của rất nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan.
Nhấn mạnh lãng phí đã, đang và tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung làm rõ thêm tình hình và hai hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta thời gian qua. Trong đó, cần đánh giá mức độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chống lãng phí đang ở mức độ nào, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Dự báo trong năm 2021 và các năm tiếp theo tình hình này sẽ như thế nào cả về thực trạng, diễn biến, cơ cấu và tính chất. Bởi lẽ, chỉ có đánh giá đúng tình hình, có dự báo đúng tình hình thì chúng ta mới có cơ sở để tập trung nguồn lực, có cơ sở để khai thác tối đa các nguồn lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.