Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam
(ĐCSVN) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội Nông dân Việt Nam cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân...
Với chủ đề “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Hội nhập-Phát triển”, ngày 12/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đã chính thức khai mạc.
Dự Lễ khai mạc có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại
Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh.
Các cấp hội đã phát động và đẩy mạnh Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp ngày càng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn...
Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời.
Để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu, gồm: Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam; Có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; Có 100% chi Hội xây dựng được Quỹ hoạt động của Hội và phấn đấu mỗi cơ sở Hội ở các địa phương chưa thoát nghèo; Hằng năm, có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp...
Để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; Vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế…
Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với công tác Hội
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trải qua 88 năm hình thành và phát triển, được Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Hội Nông dân Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong nhiệm kỳ VI, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đã thực hiện tốt vai trò là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nông dân; vận động, tuyên truyền, giúp cho nông dân hiểu, đồng thuận thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống của nông dân được cải thiện về mọi mặt. Thành tích của phong trào nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam là rất to lớn, đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của giai cấp nông dân và hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ: Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập như trong báo cáo chính trị đã chỉ ra. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, những hạn chế còn tồn tại này có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã định hướng "xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu".
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, phát triển bền vững, hiện đại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Các cấp Hội cần phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các thành phần kinh tế để tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học - công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hoá, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của biến đổi khí hậu, giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và xoá nghèo bền vững. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân, về Đảng, về tổ chức Hội; phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, tương thân, tương ái, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật... Có như vậy, nông dân Việt Nam mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội Nông dân Việt Nam cần tích cực xây dựng và củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; đủ sức tham mưu, đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mỗi cán bộ hội nông dân từ Trung ương đến địa phương cần phát huy cao độ truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức vận động nông dân, nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chương trình, kế hoạch của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hoá những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn, góp phần thiết thực cùng cấp uỷ, chính quyền và nông dân tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao đời sống của nông dân, để nông thôn nước ta ngày càng giàu đẹp.
Cùng với đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp. Tổng kết và nhân rộng mô hình tập hợp nông dân vào các chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
“Thành công tuỳ thuộc vào sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả các hội viên, của giai cấp nông dân, trong đó đội ngũ cán bộ Hội có vai trò rất quan trọng. Mỗi đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nông dân khoá mới cần căn cứ vào nhiệm vụ của mình và của Hội để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội một cách thiết thực, hiệu quả” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả./.