Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục đổi mới chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ Tư, 24/05/2017 17:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển đất nước (từ sau năm 1975 đến nay), Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đổi mới và phát triển nông nghiệp (NN), nông thôn (NT).

Ngay từ Đại hội toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), Đảng ta đã ban hành những chính sách đầu tiên về phát triển NN, NT. Các chính sách phát triển NN, NT được xây dựng theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, NN, NT đã đạt được những thành tựu lớn về đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, tiến bộ.

Các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã góp phần tạo ra tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản giai đoạn 1991-1995 đạt trung bình 4,6%/năm, cao hơn nhiều so với mức 2,6%/năm trong giai đoạn 1987-1990, giúp cho ngành nông nghiệp khắc phục trì trệ, vượt qua khó khăn để phát huy các tiềm năng tại chỗ; tạo ra lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Thu nhập của nông dân được cải thiện hơn; bộ mặt nông thôn khởi sắc và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm.

Trong những năm 1991-1996, diện tích gieo trồng lúa tăng bình quân 2,5%/năm, sản xuất nông lâm thủy sản theo giá cố định năm 1994 tăng trưởng bình quân 5,9% /năm. Việt Nam trở thành quốc gia trong nhóm xuất khẩu nhiều nông sản trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp chiếm 30-40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đến cuối thập kỷ 90, do kinh tế Châu Á lâm vào khủng hoảng nên kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại (GDP tăng 5,8%/năm giai đoạn 1997-2000) nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng đều, đạt bình quân 4,43%/năm, chứng tỏ các chủ trương, chính sách đối với NN, NT trong giai đoạn này đã phát huy tác động rất tích cực.

Giai đoạn 2000-2006, tăng trưởng bình quân GDP nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4%/năm, so với mức tăng trưởng GDP bình quân 10,6% của công nghiệp-xây dựng và 6,8% của dịch vụ. Nhiều yếu tố không vững bền xuất hiện như: Tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hạn chế về công tác quản lý sử dụng đất đai, nhất là đất công và đất nông nghiệp...

Giai đoạn 2007 đến nay, mặc dù nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất, kinh doanh khởi sắc nhất, giúp cho đất nước cân bằng thương mại và giảm lạm phát, nhưng tăng trưởng đã giảm rõ rệt. Tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2006-2011 là 3,46%, giảm so với mức tăng trưởng 3,83% giai đoạn 2001-2005 và 4,42%/năm trong giai đoạn 1996 - 2000.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành chương trình trọng điểm và được phát triển mạnh trên khắp cả nước. Chương trình tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề trong nông thôn, từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa, xã hội nông thôn. Chương trình đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội và đặc biệt là đã huy động được sức đóng góp tại chỗ của người dân địa phương nhằm vào phục vụ chính lợi ích mỗi vùng nông thôn.

Nhìn chung, hệ thống các chính sách về NN, NT ở Việt Nam đã sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay trong giai đoạn đầu trong công cuộc đất nước đổi mới. Hệ thống chính sách đến nay đã đề cập và xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn. Nhờ có hệ thống chính sách ưu đãi và nhiều cơ chế phù hợp, diện mạo nông thôn được thay đổi. Đời sống người dân nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, chính sách đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế về thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao và hiệu quả sử dụng; chưa có các biện pháp bảo vệ đất để sản xuất sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính sách đầu tư phát triển NN, NT, đã được tăng cường, đổi mới mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa, đa đạng hóa, thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong NN, NT. Các hình thức đầu tư còn đơn điệu, thiếu tính dài hạn; các hạng mục hạ tầng chưa đồng bộ và chất lượng thấp...


Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành quả to lớn về đảm bảo an ninh lương thực
và xuất khẩu các mặt nông sản.

Để  khắc phục những hạn chế nêu trên, thiết nghĩ, cần tiếp tục đổi mới chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn nói chung, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: 

Cần khuyến khích cán bộ, nhân viên khuyến nông trực tiếp tham gia sản xuất

Các chính sách lớn phát triển NN, NT cần định hướng hoàn thiện bao gồm: Chính sách đất nông, lâm, thủy sản; Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với NN, NT; Chính sách thị trường nông sản và vật tư phục vụ sản xuất trong NN, NT; Chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng và đầu tư sản xuất - kinh doanh; Chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển NN, NT; Chính sách xã hội nông thôn.

Đối với chính sách đất nông, lâm, thủy sản, cần sớm xóa bỏ sự khác biệt về thời gian sử dụng các loại đất nông nghiệp hiện nay để thống nhất thời gian sử dụng đối với đất nông nghiệp nói chung là 70 năm hoặc không thời hạn tính từ năm 2014 nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng đất và tạo ra sự yên tâm của người sử dụng trong đầu tư cải tạo, xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết theo quy hoạch đã được Nhà nước phê duyệt.

Cần giữ hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân như Luật Đất đai hiện hành và số diện tích sử dụng vượt hạn mức áp dụng chính sách thuê đất. Từ năm 2021 trở đi chuyển sang chế độ thuê đất sẽ bỏ quy định hạn điền; Không hạn chế trang trại nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại đất của các hộ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy hoạch.

Đối với chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với NN, NT, cần đổi mới cơ chế khuyến nông theo hướng: Khuyến khích cán bộ, nhân viên khuyến nông trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh cùng nông dân và người sản xuất trong NN, NT để đưa các sản phẩm KH&CN vào sản xuất, không dừng lại ở các điểm trình diễn như hiện nay.

Xây dựng và áp dụng chính sách: tổ chức hoặc cá nhân tạo ra công nghệ mới được tạo ra từ ngân sách nhà nước có quyền định giá bán sản phẩm KH&CN, lợi nhuận thu được từ bán sản phẩm KH&CN chia 50/50 giữa nhà nước và tổ chức, cá nhân tạo ra sản phẩm KH&CN và chuyển giao thành công vào thực tiễn.

Đồng thời, quy định mỗi cơ sở nghiên cứu KH&CN phải có khu nghiên cứu mô hình nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu KH&CN trong nước chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu các sản phẩm KHCN mới, phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế NN, NT.

Phân định rõ hơn các mức ưu đãi, hỗ trợ

Về chính sách thị trường nông sản và vật tư phục vụ sản xuất trong NN, NT: Cần xây dựng các chuỗi giá trị (CGT) sản phẩm gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, khép kín từ cung ứng đầu vào tới tiêu thụ cuối cùng có sự kiểm soát thường xuyên và hữu hiệu của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thị trường về khối lượng, chất lượng, độ đồng đều;

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng “nguồn gốc” và “chỉ dẫn” cho các sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường theo chuẩn mực quốc tế, nhất là hàng lương thực, thực phẩm chủ lực. Xây dựng khung pháp lý toàn diện để định hướng cho hoạt động thương mại trong nước đối với các sản phẩm do NN, NT làm ra, chuyển từ phương thức truyền thống, sang văn minh hiện đại, thuận lợi hơn cho cả người bán và người mua.

Với chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng và đầu tư sản xuất - kinh doanh, phân định rõ hơn các mức ưu đãi, hỗ trợ về: Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Nhà nước, tiền thuê đất của hộ gia đình; các hỗ trợ trong đào tạo lao động, trong áp dụng KH&CN, trong phát triển thị trường, trong tiếp cận các dịch vụ tư vấn và cước phí vận tải theo quy mô vốn đầu tư vào NN, NT và theo thời gian hoạt động trong NN, NT;

Cụ thể hóa và công khai hóa các bước và quy trình, thủ tục tiếp nhận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để các DN thuộc đối tượng ưu đãi có thể tiếp cận nhanh và với chi phí thấp nhất và thực hiện nguyên tắc chung là: Quy mô vốn đầu tư càng lớn, thời gian hoạt động càng lâu thì mức ưu đãi, hỗ trợ càng lớn.

Phân cấp triệt để cho địa phương trong thực hiện các chương trình giảm nghèo

Về chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển NN, NT: Ngoài các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động trong NN, NT hiện nay, Nhà nước cần có chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng thương mại khác cùng tham gia cho vay các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong NN, NT.

Đối với các hoạt động tín dụng phi chính thức quy mô nhỏ cần được luật hóa và được tạo điều kiện để hoạt động công khai, minh bạch, đáp ứng vốn cho người dân; Quy định huy động tiền gửi dài hạn với lãi suất thích hợp để cho vay dài hạn đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trong NN, NT.

Riêng với chính sách xã hội nông thôn, phải phân cấp triệt để cho các cấp địa phương trong thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm sự hài hòa giữa trách nhiệm với quyền hạn. Các bộ, ngành trung ương tập trung vào xây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực, đào tạo cán bộ, hướng dẫn và giám sát đánh giá; việc huy động nguồn lực tại chỗ và tổ chức thực hiện là trách nhiệm của chính quyền xã, huyện, tỉnh...

Cải tiến cơ chế huy động, phân bổ và quản lý nguồn lực cho giảm nghèo theo hướng xã hội hóa, coi trọng nguồn lực tại chỗ của từng địa phương; phối hợp với các hỗ trợ của tổ chức quốc tế tạo nguồn lực tài chính dồi dào hơn cho các vùng nghèo.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực và thẩm quyền quản lý và điều hành thực hiện chương trình giảm nghèo cho tỉnh, huyện; làm rõ quyền và trách nhiệm của người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo trong giảm nghèo, khắc phục tư tưởng ỷ lại; Nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ trong giảm nghèo đa chiều và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở làm công tác giảm nghèo, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá ở cả 4 cấp.

Cùng đó, hình thành các cơ sở sản xuất của đối tượng yếu thế với một số chính sách ưu đãi đặc biệt về chỗ làm việc, về vốn đầu tư, về thuế, tín dụng, thị trường... để đối tượng tự vươn lên đảm bảo cuộc sống cá nhân; Tổ chức các trung tâm xã hội tổng hợp, các cơ sở nuôi dưỡng trong cộng đồng làng, xã; phát triển các hình thức hội từ thiện bảo trợ để trợ giúp đỡ họ vượt khó khăn.../.

Hồ Xuân Hùng (Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN