Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Tiền mất tật mang"...chỉ biết kêu trời!

Chủ Nhật, 23/05/2021 08:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Với hy vọng được làm giàu nhanh chóng, nhiều người dân dốc hết tiền của, thậm chí là vay nợ, thế chấp tài sản để lao vào đầu tư tiền, vàng, cổ phiếu ảo, kết quả là "tiền mất tật mang" mà chỉ biết… kêu trời.

Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
(Ảnh: thoibaonganhang.vn) 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nhiều loại hình đầu tư mới ra đời, trong đó có tiền, vàng, cổ phiếu ảo. Những lời quảng cáo “có cánh” mà các đối tượng mang ra “nhử” như “đầu tư ít lợi nhuận khổng lồ”, "bao lỗ, bao cháy tài khoản”, “cam kết lợi nhuận", “càng đầu tư nhiều thì lãi thu được càng cao”… đã khiến không ít người sập bẫy và trở nên trắng tay.

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá thành công một “ổ nhóm” có hành vi tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và nhiều website khác được copy giao diện tương tự giống các sàn forex.

Trước đó, công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá được 2 đường dây có dấu hiệu lừa đảo theo mô hình đa cấp tiền ảo. 2 sàn ngoại hối tự xưng có tên là F5trader.com và Tradenew.io. Chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng kêu gọi được hàng nghìn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Sau khi các sàn ngoại hối tự xưng này bị sập, những người tham gia mất trắng tiền “ngã ngửa” là không biết tại sao?

Đó chỉ là hai trong số nhiều vụ diễn ra trong thời gian qua bị lực lượng công an bắt. Bởi từ trước tới nay, lực lượng công an đã xác minh, điều tra nhiều chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng các sàn giao dịch tài chính bất hợp pháp để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng đáng nói, khi lực lượng chức năng đấu tranh, làm rõ hành vi lừa đảo của sàn giao dịch này, thì ngay lập tức các sàn khác lại mọc ra. Hiện có hàng trăm sàn giao dịch ngoại hối được lập ra để kinh doanh tiền điện tử, huy động vốn theo phương thức đa cấp như vậy. Theo thống kê của Công an Hà Nội, tại Việt Nam có khoảng 240 sàn giao dịch vàng, ngoại hối (Forex) trái phép và thu hút lượng người tham gia đầu tư đặc biệt lớn.

Nhiều cơ quan chức năng như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương đưa ra lời cảnh báo với không ít bài học trên thực tế. Song trước những lời mời chào đầy “mật ngọt” với “lợi nhuận khủng, lãi suất cao”, “không phải làm gì cũng được nhận tiền”… đã khiến nhiều nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn thậm chí hàng tỷ đồng để tham gia vào những sàn ảo này. Vì vậy, những loại giao dịch kiểu này vẫn chưa bao giờ hết nóng. Sàn giao dịch ảo này sập, các sàn khác tương tự lại mọc lên để kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và vẫn đang để lại nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, văn phòng tại Việt Nam của các sàn này thường nằm kín đáo trong các tòa nhà cao tầng, không có biển hiệu, chỉ có vài bộ bàn ghế tạm bợ và có thể “biến mất” chỉ trong một nốt nhạc... Hoặc các sàn được giới thiệu văn phòng, trụ sở ở nước ngoài nhưng thực chất là “văn phòng ma”. Thủ đoạn chung là các đối tượng dựng lên sàn đầu tư tài chính ảo, không có giấy phép đăng ký và để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã thuê máy chủ dữ liệu đặt tại nước ngoài. Và người điều hành máy chủ có thể can thiệp để người chơi thắng thua tùy ý. Sau đó họ có thể đánh sập sàn hoặc can thiệp vào tài khoản để nhà đầu tư mất sạch tiền trong tài khoản…

Các chuyên gia về lĩnh vực này đã nhiều lần khẳng định, tiền, vàng, chứng khoán ảo ở trên lãnh thổ Việt Nam không được cơ quan chức năng nào công nhận là tiền, vàng, chứng khoán. Vì thế các sàn giao dịch cũng không được phép hoạt động và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, về mặt đặc tính thì các sàn này thường mang những cái tên nước ngoài để giao dịch và nói rằng đó là một bộ phận hoặc của doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc bất cứ những rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải với tiền ảo hay các sàn giao dịch ảo không hợp pháp này đều không được pháp luật bảo vệ.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cảnh báo người dân khi đầu tư các loại tiền ảo, tài sản ảo, nhất là mô hình kinh doanh đa cấp các loại tiền ảo. Do kiến thức, kinh nghiệm của người dân đối với những mô hình này chưa nhiều nên nhiều người không xác định được kênh đầu tư chính thống, kênh rủi ro cao. Trong khi đó, các loại tội phạm công nghệ cao thông qua các sàn kêu gọi đầu tư tiền ảo, vàng, ngoại tệ đang có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng ngày càng nhiều các hình thức tinh vi để tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Vì vậy, điều quan trọng nhất cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, trau dồi kiến thức pháp luật để đưa ra những quyết định sáng suốt khi đầu tư tiền, tài sản của mình trong thời kỳ công nghệ số phát triển như hiện nay./.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN