Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiêm vắc xin và ý thức của mỗi người dân

Thứ Sáu, 06/08/2021 01:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - COVID-19 là vi rút biến thể, vắc xin khó có thể khu trú, triệt tiêu chúng như một số vi rút khác. Sự biến đổi nhanh của chúng gây khó khăn rất lớn cho công tác ứng phó.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: cand.com.vn) 

Tiêm vắc xin phòng dịch: Lo, mong, mừng

Tiêm vắc xin được xem là một giải pháp tốt trong các giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Cho đến thời điểm này, việc tiêm vắc xin vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm phòng vắc xin thì không lấy gì làm đảm bảo, cơ thể không bị nhiễm COVID. Kết quả một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố 30/7/2021 cho biết, biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vắc xin và những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên với tình hình lây lan COVID-19 như hiện nay, thì vấn đề là không chỉ là sự an toàn cho mỗi một cá nhân mà còn là an toàn chung cho cộng đồng. Hiện đã có 124 nước và vùng lãnh thổ bị nhiễm COVID -19, nhiều nơi đang ở tình trạng phức tạp, đứng trước những nguy cơ bùng phát hoặc tái diễn dịch; và, nhiều nước đã gánh chịu không ít mất mát, đau thương do COVID-19 gây ra. Với Việt Nam, theo TS. Kidong Park, đại diện WHO (tại Việt Nam) thì, ngoài sự lưu hành của các biến thể đáng gờm, chẳng hạn như biến thể Delta và Alpha, còn có những yếu tố khác gây ra những cản trở, khó khăn trong việc chống lại dịch bệnh bùng phát COVID-19.

Hiện có nhiều loại vắc xin khác nhau từ Mỹ, Nhật, Trung, Anh, Đức… với các thương hiệu như BIBP, BioNTech, Pfizer, Johnson & Johnson, Moderna, Oxford, AstraZeneca, Sputnik V... đã được WHO kiểm định và cấp phép. Trong đó, qua nhiều kênh khác nhau không ít loại vắc xin nói trên đã về Việt Nam. Mặc dù ở đâu đó có tâm lý lo ngại về độ an toàn của vắc xin, nhưng về tổng thể, đa số có tâm lý chung là, được tiêm vắc xin là vui mừng và an tâm hơn với COVID-19. Dẫu chưa chống được triệt để vi rút thì ít ra sẽ phòng, tăng sức đề kháng cho cơ thể trước vi rút này.

Với phản ứng phụ ít nhiều có thể có, do đó, "Tiêm đến đâu, an toàn đến đó" là cách làm tốt. Khi tiêm xong, không có ca nào phản ứng shock đến độ nguy hiểm đã là quá tuyệt rồi, đến mấy ngày sau, không xảy ra các phản ứng phụ thì lại càng quá tốt. Vì mức độ nguy hiểm COVID-19, trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng, người dân đang mong muốn Nhà nước thúc đẩy quá trình tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Hi vọng vắc xin nội

Để phòng chống COVID-19 và xác định đây là cuộc chiến lâu dài, Việt Nam cần phải tự chủ được vắc xin. Để có vắc xin nội, ngành y tế và các nhà dịch tễ học trong nước đã và đang nghiên cứu vắc xin Nano Covax. Vắc xin Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021. Hiện tại, hồ sơ đã được gửi tới WHO và đang trong giai đoạn thẩm định, để có thể đưa Nano Covax vào nhóm vắc xin trong chương trình COVAX toàn cầu. Câu chuyện vắc xin nội nếu nhanh như phát biểu của GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y thì cũng phải vào tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên, dù muộn thì vẫn mở ra cánh cửa hi vọng về vắc xin “made in/by Vietnam”, người dân có thể yên tâm hơn trong bối cảnh dịch bất thường quay trở lại lúc nào không hay.

Trong lịch sử tồn tại và hoạt động, ngành y Việt Nam có nhiều kỳ tích đáng tự hào. Chính vì niềm tin đó, người dân rất kì vọng vào tính an toàn và tác dụng của vắc xin nội. Về lâu dài Việt Nam sẽ phải tự chủ được vắc xin và có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vắc xin phòng và chống dịch COVID-19 cho gần 100 triệu người dân trong nước, thay vì trông chờ bấp bênh nguồn cung từ bên ngoài.

“Vắc xin” mạnh nhất là tự ý thức của mỗi người

Đây là đợt bùng dịch lần thứ 4 COVID-19, đợt bùng phát lần này rất phức tạp, nhiều thách thức hơn ở khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong khi số lượng ca nhiễm vẫn gia tăng thì thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương có dịch là một giải pháp tốt để phòng chống dịch. Chính ý thức cẩn trọng trong đi lại, tiếp xúc đã có tác dụng chống dịch, hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng. Giãn cách hay cách ly đã giúp các ngành chức năng dễ hơn trong xác định nguồn gốc lây nhiễm để truy vết, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. Trong cuộc chiến ứng phó với dịch, nhất thiết phải hi sinh phần nào lợi ích kinh tế, khó có thể đồng thời đạt được mục tiêu kép - tăng trưởng và giảm dịch.

Giờ đây ra đường, chưa bao giờ giữ khoảng cách lại là điều cần thiết đến thế. Tuy nhiên, với mỗi cá nhân và mỗi gia đình, việc mưu sinh và giải quyết các nhu cầu vẫn luôn được đặt ra. Với những lần thực hiện các Chỉ thị 15, 16… của Chính phủ, đã giúp công tác phòng dịch đạt được nhiều hiệu quả trông thấy. Ở những vùng giãn cách, người dân chỉ được phép ra đường khi giải quyết những nhu cầu thiết yếu và trong những tình huống khẩn cấp. Thế nhưng không phải ai cũng đã nghiêm túc chấp hành, đã có không ít trường hợp vi phạm với những lí do không chính đáng như ra đường thể dục hay tụ tập đông người ăn nhậu... Ý thức thiếu tự giác của một bộ phận người dân đã khiến chính quyền phải mạnh tay hơn trong kiểm soát đi lại, tiếp xúc xã hội. Thời gian qua, không ít người bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự vì sự vô ý thức của mình.

Dịch đã và đang xâm lấn vào cộng đồng, chiến tuyến giữa người và vi rút không rõ ràng. Không còn cách nào khác là phát huy ý thức trách nhiệm công dân và sức mạnh cộng đồng và để chống dịch. Cho nên, nói tuân thủ 5K, cùng với vắc xin sẽ là phương thức tổng hợp tối ưu để kháng dịch, nhưng cao hơn tất cả, vẫn là ý thức phòng và chống dịch của chính mỗi người dân. Ý thức tự giác của mỗi người đối với dịch chính là một loại “vắc xin” - vắc xin tinh thần, mà sức mạnh tinh thần vốn là một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam, cần được phát huy mạnh mẽ trong thời điểm này.

Cuộc chiến dịch còn dài, kết quả như nào còn tùy thuộc vào nỗ lực đồng bộ của hệ thống chính trị và toàn dân. Báo cáo Phân tích của Liên hợp quốc về tác động xã hội của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính được thực hiện vào cuối năm 2020 đã dự đoán “diễn biến tương lai của đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới vẫn còn là một ẩn số” và “các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ còn tiếp diễn, và hành trình đến với sự phục hồi sẽ là một chặng đường dài”. Chính vì vậy, sự quyết tâm càng cao trong phòng chống COVID-19, càng có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro trên diện rộng; ý thức tự giác phòng dịch của mỗi người càng cao, cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 mới sớm đi đến hồi kết thúc./.

 

Tài liệu tham khảo

http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/Chuyen-gia-WHO-Viet-Nam-dang-di-dung-huong-can-no-luc-hon-nua-de-ngan-chan-dai-dich/440332.vgp

https://www.vietnamplus.vn/cdc-my-cong-bo-phat-hien-moi-nhat-ve-bien-chung-delta/730571.vnp

https://suckhoedoisong.vn/ngay-27-7-co-230-nguoi-tiem-tiem-thu-nghiem-vac-xin-phong-COVID-19-nano-covax-mui-2-giai-doan-3-169198350.htm

https://www.unicef.org/vietnam/vi/b%C3%A1o-c%C3%A1o/ph%C3%A2n-t%C3%ADch-c%E1%BB%A7a-lhq-v%E1%BB%81-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-COVID-19-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-c%C3%A1c-khuy%E1%BA%BFn

TS. Phạm Xuân Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN