Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực hiện tốt thanh tra nội bộ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của nhà trường

Thứ Ba, 08/12/2020 09:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Càng tự chủ bao nhiêu thì càng cần tự thanh tra, kiểm tra, nắm bắt, để thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, của Đảng uỷ nhà trường, Hội đồng trường… Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức tốt hoạt động thanh tra nội bộ, thì ở đó giảm thiểu được nhiều rủi ro, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động chuyên môn.

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị Công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Thái Nguyên ngày 7/12.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức trong toàn khối đại học, không phân biệt trường công - trường tư, trường thuộc Bộ GD&ĐT và không thuộc Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động công tác thanh tra nội bộ theo quy định tại về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của các các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị

Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thanh tra nội bộ

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức Hội nghị công tác thanh tra nội bộ cho toàn khối giáo dục đại học, không phân biệt trường công - trường tư. Bởi lẽ, tất cả cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện chung sứ mệnh là chăm lo cho hoạt động giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Do đó, khi các cơ sở cùng đồng hành thực hiện tốt các nhiệm vụ thì giáo dục đại học của quốc gia mới “đi nhanh”, tiến xa, hiệu quả và chất lượng.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong bối cảnh tự chủ đại học với nhiều điểm mới, các cơ sở giáo dục đại học giao quyền tự chủ toàn diện, do vậy việc có một bộ máy chuyên trách trong cơ sở giáo dục đại học để làm công tác thanh tra nội bộ là vô cùng cần thiết.

“Càng tự chủ bao nhiêu thì càng cần tự thanh tra, kiểm tra, nắm bắt, để thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, của Đảng uỷ nhà trường, Hội đồng trường… Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức tốt hoạt động thanh tra nội bộ, thì ở đó giảm thiểu được nhiều rủi ro, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động chuyên môn”, Thứ trưởng nói.

Công tác thanh tra, kiểm tra có được thực hiện đúng, trúng, phát huy hiệu quả hay không, phụ thuộc đầu tiên vào vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. Nếu cán bộ Thanh tra đề xuất các hoạt động thanh - kiểm tra nhưng lãnh đạo không ra quyết định thì công tác này không triển khai được. Việc ban hành kết luận thanh tra và tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra… cũng phải do người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định, cho phép thực hiện.

Với những lí do đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị lãnh đạo các trường nâng cao nhận thức, xác định rõ ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác thanh tra; tạo được động lực và điều kiện để hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học phát huy hiệu quả, chất lượng. Các kết luận thanh tra, kiểm tra do lãnh đạo nhà trường ban hành cần “thấu tình đạt lý”. Song song với đó, cần chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đảm bảo đạt được đúng mục đích, ý nghĩa.

“Người chỉ đạo công tác thanh tra và người làm công tác thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Những biểu hiện nể nang, né tránh trong công tác thanh tra cần phải được xử lý nghiêm để hoạt động thanh tra đạt hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

 Các đại biểu dự Hội nghị

Hoàn thiện bộ máy thanh tra đáp ứng yêu cầu

Báo cáo thực hiện công tác thanh tra nội bộ của 123 trường đại học (39 trường trực thuộc Bộ, 84 trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập) cho thấy công tác thanh tra nội bộ thời gian qua đã được quan tâm. Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đều ban hành Kế hoạch công tác thanh tra theo năm học, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo số liệu về xây dựng kế hoạch khi được yêu cầu.

Các đại học và nhiều trường đại học đã quan tâm xây dựng bộ máy, đội ngũ thanh tra theo đúng cơ cấu, mô hình của đơn vị. Cấp đại học có Ban Thanh tra, cấp đơn vị thành viên (cấp Trường) có phòng Thanh tra - Pháp chế, một số đơn vị lập bộ phận hoặc cử cán bộ phụ trách công tác thanh tra.

Đơn vị giáo dục đại học trực thuộc Bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập cũng từng bước kiện toàn hệ thống Phòng/Ban thanh tra trong cơ sở. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bước đầu đi vào nề nếp, góp phần giúp các trường ổn định, kiểm soát chất lượng đào tạo, quy chế hoạt động, đào tạo, chế độ cán bộ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, quy mô và quyền hạn của các cơ sở giáo dục đại học có sự thay đổi, được tự chủ nhiều hơn. Cơ cấu các Ban thanh tra, số lượng biên chế viên chức cho hoạt động thanh tra như hiện nay, theo đánh giá của Thanh tra Bộ GDĐT là khó đáp ứng được yêu cầu thực tế triển khai nhiệm vụ thanh tra.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, việc thành lập phòng Thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học chưa thống nhất, còn bất cập. Có nơi có phòng thanh tra, có nơi thanh tra gắn với pháp chế hoặc các nhiệm vụ chuyên môn khác. Điều này làm mất đi tính độc lập, thiếu khách quan trong hoạt động thanh tra.

Số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, cũng chưa tương xứng, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ của đơn vị. Một số trường nhiều năm còn chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc tổ chức kiểm tả mà không có thông báo kết luận; Công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo có cơ sở còn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài..

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Thanh tra Bộ ghi nhận đầy đủ và nghiên cứu để được ra những kiến nghị phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung xây dựng bộ máy và cán bộ làm công tác thanh tra, đảm bảo đúng, đủ, chất lượng; tránh việc sắp xếp, ghép cơ học các phòng chuyên môn với nhiệm vụ thanh tra khiến giảm sức mạnh của hoạt động này.

Việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch thanh tra cũng được lãnh đạo Bộ GDĐT yêu cầu thực hiện nghiêm, có chế tài xử lý rõ ràng, tạo chuyển biến rõ nét. Đồng thời, cần quan tâm tới công tác tuyên truyền về hoạt động thanh tra, nâng cao sự quan tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học; tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm công tác thanh tra.

“Từng cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt công tác thanh tra nội bộ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của nhà trường, thì cả hệ thống sẽ tốt, giáo dục đại học sẽ phát triển”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN