Thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại Ninh Thuận: Còn nhiều việc phải làm
(ĐCSVN) - Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cơ hội cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, Ninh Thuận còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương. |
Nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ
Toàn tỉnh Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó hộ nghèo DTTS là 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS.
Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, miền, các nhóm xã hội, lãnh đạo các cấp của tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn.
Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện, luôn ưu tiên bố trí huy động các nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào DTTS nói chung trong đó có phụ nữ DTTS mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội…
Các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã kịp thời cụ thể hóa kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân; quan tâm lồng ghép giới trong kế hoạch hoạt động của ngành, địa phương; các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định đến năm 2025 cơ bản đạt và đã từng bước kiện toàn, củng cố Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.
Công tác cán bộ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được chú trọng, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác quản lý, trong hệ thống chính trị của tỉnh; tỷ lệ tăng lên qua các nhiệm kỳ.
Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau.
Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Ninh Thuận đã triển khai tại 71 thôn thuộc 23 xã của 6 huyện, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Các cơ quan liên quan còn tổ chức khảo sát các nội dung liên quan đến bình đẳng giới tại 06 huyện; mở 05 lớp tập huấn về chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng cho cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Hội phụ nữ ở cơ sởtại các địa phương có địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; tổ chức lớp tập huấn về chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ các ngành cấp huyện, xã; tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ tổng phụ trách Đội 14 trường Trung học cơ sở thuộc 04 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn và Thuận Nam...
Vẫn phải đối mặt với không ít rào cản
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác lồng ghép giới trong hoạt động của ngành, địa phương chưa rõ nét; một số chỉ tiêu chưa có giải pháp cụ thể để thực hiện; công tác phối kết hợp giữa các ngành, đơn vị còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên…
Đáng chú ý, người DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Thực tế trong các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... cho thấy, phụ nữ DTTS là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau, định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ DTTS thường nghèo và bấp bênh về thu nhập.
Bà Pi Năng Thị Thủy, dân tộc Raglai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên thực tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít rào cản. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chương trình, chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, tuy nhiên, việc phát triển diễn ra chưa đồng đều. Việc tiếp cận và tham gia vào hoạt động kinh tế, các dịch vụ an sinh xã hội đối với phụ nữ DTTS còn hạn chế bởi các rào cản. Đó là rào cản về khoảng cách giới giữa các dân tộc còn tồn tại, trong đó phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Rồi cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục nâng cao trình độ của thành viên nữ DTTS chưa cao; rào cản về tri thức do phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương.
Chưa hết, trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Bà Pi Năng Thị Thủy đặc biệt lưu ý đến việc phụ nữ DTTS vẫn còn thiếu những kiến thức, nhận thức, hành vi trong hôn nhân nên đến nay tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra. “Ninh Thuận là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở miền núi nên tình trạng tảo hôn còn xảy ra và cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của phụ nữ và cơ hội của trẻ em gái DTTS trên địa bàn tỉnh” - bà Thủy cho biết.
Đáng lưu ý, nạn tảo hôn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ em gái và phụ nữ, khiến họ mất đi quyền tự định đoạt trong cuộc sống; làm mất đi cơ hội học tập, đào tạo; khiến họ dễ bị bạo hành, phân biệt đối xử và lạm dụng hơn; làm hạn chế sự tham gia của họ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Mặc dù Ban Chỉ đạo tỉnh đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên sóng Phát thanh truyền hình bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Raglai); xây dựng chương trình phóng sự về tảo hôn, tuyên truyền trên pa nô, áp phích, tờ rơi, tổ chức hội nghị chuyên đề về tảo hôn, mở lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã vùng đồng bào DTTS…Vậy mà theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 269 trường hợp tảo hôn...
Đồng bộ giải pháp, cách làm
Để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, bà Pi Năng Thị Thủy cho rằng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Tập trung tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú.
Cùng với đó, hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế của mình; tăng cường cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ DTTS. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương về xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình, dự án về thúc đẩy bình đẳng giới và quyền cho phụ nữ DTTS.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú các cấp, người có uy tín ở địa bàn có người DTTS sinh sống.
Song song với đó phải hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS. Nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới./.