Thúc đẩy tăng trưởng thông qua chuyển đổi số
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng COVID-19, thì chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có uy thế về công nghệ số, và nước ta đã thể hiện rõ mong muốn tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Một dây chuyền sấy tự động của Công ty gạch men Vĩnh Thắng (Ảnh: Đặng Hiếu) |
Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua vào tháng 2/2021. Chiến lược chỉ ra khát vọng gia nhập nhóm các nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Điều đó có nghĩa nền kinh tế sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ít nhất 5% theo đầu người trong 24 năm tới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mục tiêu này có thể đạt được nhưng đầy thách thức. Vì, chỉ có một số ít quốc gia vươn lên thành công từ quốc gia thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình trong 50 năm qua; và con số những quốc gia có khả năng chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao thậm chí còn ít hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chỉ có 18 nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình từ năm 1965 trở thành quốc gia thu nhập cao tính đến năm 2013, bao gồm năm nền kinh tế Đông Á (Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc; Nhật Bản; Sing-ga-po; và Đài Loan (Trung Quốc). Khát vọng đối với nước ta là phải trở thành một trong những quốc gia chuyển mình thành công như thế.
Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã chỉ ra cần phải thay đổi mô hình phát triển. Những động lực tăng trưởng truyền thống như tích lũy vốn vật chất, lợi thế về cơ cấu dân số, mở rộng công nghiệp chế biến, chế tạo, và hầu hết ở những ngành thâm dụng lao động đang dần dần yếu đi. Mô hình phát triển cũng cần cân nhắc đến tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh nhanh chóng (là những người có mức sống trên 15 USD/ngày), dự kiến sẽ tăng từ 18,5% dân số trong năm 2018 lên 50% vào năm 2035.
Chính vì thế, Chính phủ đã tán thành ý tưởng cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng có hiệu suất cao hơn. Nước ta có thể tham khảo kinh nghiệm theo chính sách chuyển đổi cơ cấu thành công ở những quốc gia như Hàn Quốc từ thập niên 1980 đến 1990. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy con đường từ quốc gia thu nhập thấp đến thu nhập trung bình chủ yếu diễn ra thông qua tích lũy vốn vật chất và vốn con người và khai thác tài nguyên, nhưng chuyển đổi từ quốc gia thu nhập trung bình lên thu nhập cao lại đòi hỏi phải sử dụng có hiệu suất cao các tài sản và tài nguyên, bao gồm cả nguồn nhân lực. Hiệu suất cao hơn sẽ giúp nâng cao năng suất và sản lượng, cũng như cải thiện chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng tinh tế hơn. Mô hình mới cũng cần chú trọng nhiều hơn đến nâng cao hiệu suất sử dụng vốn tự nhiên và tăng cường các thể chế dựa trên cơ chế thị trường.
Với tầm nhìn đó, chuyển đổi số trong nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho chủ trương nâng cao hiệu suất. Một quá trình chuyển đổi như vậy thực ra đã được tăng tốc bởi cú sốc COVID-19, có lẽ đây là một trong những điểm sáng của cuộc khủng hoảng này. Thương mại và dịch vụ đã trở nên ngày càng số hóa để ứng phó với các chính sách giãn cách xã hội. Một ví dụ minh họa cho xu hướng này là sự bùng nổ thương mại điện tử - trong năm 2020, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á.
Bên cạnh đó, chỉ trong từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021, số lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ tăng gấp mười lần, tuy rằng xuất phát điểm còn thấp. Vì tất cả những thay đổi đó đều có những tác động kinh tế và tài chính rõ nét đến cách thức mọi người sinh sống như buôn bán, giao tiếp, làm việc và học tập online...
Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã nắm bắt cơ hội để gặt hái thành quả từ chuyển đổi số, Chính phủ đã thể hiện rõ mong muốn tham gia cuộc đua. Chẳng hạn, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP. Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra những mục tiêu mong muốn Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ thông tin ngay từ năm 2025. Thủ tướng cũng nêu rõ kinh tế số phải đóng góp một phần ba GDP của đất nước vào cuối thập niên so với mức 5% hiện nay. Những mục tiêu trên là rất lớn với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người chưa cao (theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.521 USD), và chỉ có 30% học sinh tiếp tục học lên sau phổ thông...
Thực tế cho thấy, nước ta có thể gặt hái được nhiều lợi ích thông qua chuyển đổi số nền kinh tế. Việt Nam có khởi đầu tốt về tỷ lệ sử dụng điện thoại di động, và ngày càng nhiều người dân được kết nối internet. Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của một số tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Nhưng để trở thành cường quốc số của thế giới cần kết nối tốt các nhà đầu tư nước ngoài. Để đảm bảo chuyển đổi số thành công, các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại quốc tế trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bằng cách nắm bắt công nghệ số, khuyến khích áp dụng công nghệ, và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia kinh tế số, đồng thời phải đảm bảo tiếp thu và nâng cấp kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.../.