Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐCSVN) - Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức ở vùng đồng bào DTTS và MN, nắm được đặc điểm của giới để phát huy thế mạnh, đồng thời hạn chế sự thiệt thòi, bất bình đẳng, để giới phụ nữ DTTS và vùng DTTS phát triển cân đối, hài hòa.
Các rào cản phụ nữ DTTS tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển
Thông qua Báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019” (do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Vụ Dân tộc thiểu số – Ủy ban Dân tộc thực hiện, có thể thấy rõ phụ nữ DTTS vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Trong tiếp cận cơ hội kinh tế, phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng DTTS&MN nhưng tỉ lệ hộ do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5% so với gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ (là 20,7%), giá trị khoản vay cũng thấp hơn. Nguyên nhân được cho do có quy mô sản xuất kinh doanh của chủ hộ là nữ nhỏ hơn, năng lực hạn chế hơn, không xây dựng được báo cáo tài chính nên không đáp ứng điều kiện vay vốn.
Phụ nữ DTTS tiếp cận với các dịch vụ y tế khó khăn hơn. (Ảnh: HP) |
Trong tiếp cận việc làm, phụ nữ người DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm, thậm chí trước 15 tuổi, do đó ít có cơ hội học hành nâng cao trình độ, do đó trình độ của nữ cũng thấp hơn, công việc kém ổn định hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Có tới 76,4% việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cao hơn gần 6% so với lao động nam DTTS (70,5%) và cao gấp đôi so với lao động nữ cả nước (35,9%). Có 24/53 DTTS có tỉ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp chiếm trên 90%.
Về vị thế trong việc làm, tỉ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc “lao động gia đình không hưởng lương” là 52,0%, cao gấp gần 2 lần so với tỉ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước 19,4%.
Trong giáo dục, đào tạo, do hạn chế hơn về tiếp cận giáo dục, tỉ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người DTTS mới đạt 80,9% (nam 86,7%, nữ 75,1%). Ở nhóm tuổi càng cao thì tỉ lệ người DTTS, đặc biệt nữ DTTS, biết đọc, biết viết chữ phổ thông càng thấp. Trong nhóm từ 35-44 tuổi, có tới 30,3% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Đây là rào cản đối với phụ nữ trung tuổi trong tham gia vào các khóa đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Trong chăm sóc sức khỏe, mặc dù chăm sóc sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng cho phụ nữ DTTS đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách đáng so với phụ nữ Kinh. Tỉ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%. Vùng Tây Nguyên có tỉ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn 14,2 % so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 98,4%. Vẫn còn 3 dân tộc có tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế ở mức dưới 50% gồm Mông 49,6%, Mảng 44,5% và La Hủ 34,7%. Nguyên nhân được cho là do những hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế, năng lực đáp ứng nhu cầu ở vùng DTTS, các trạm y tế xã, những tập tục văn hoá lâu đời lạc hậu, không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ; đi lại khó khăn...
Phụ nữ DTTS chịu bất bình đẳng trong gia đình
Cũng như ở vùng đồng bằng, vai trò giới vùng DTTS và MN gồm: vai trò sản xuất, vai trò tái sản xuất và vai trò cộng đồng. Tuy nhiên, chính những quan niệm, định kiến trong xã hội khiến vai trò giới cũng bị “méo mó” đi. Ví dụ, trong trong vai trò sản xuất, khi tham gia các hoạt động làm ra sản phẩm, hàng hóa, cả phụ nữ và nam giới đều tham gia vào các hoạt động sản xuất, tuy nhiên, do còn định kiến trong xã hội nên mức độ tham gia của nam và nữ vào hoạt động này cũng không giống nhau; giá trị sức lao động và đóng góp của nam và nữ cũng không được nhìn nhận như nhau, thường là nam giới được đánh giá cao hơn và có mức thu nhập tốt hơn. Trong vai trò tái sản xuất (hoạt động chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái...), phụ nữ phải làm nhiều hơn cũng bởi quan niệm “việc trong gia đình là của người phụ nữ”. Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam làm việc nhà gấp đôi nam giới, 20% đàn ông không làm việc nhà. Tỷ lệ này ở vùng đồng bào DTTS và MN còn cao hơn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ta thường xuyên nhìn thấy hình ảnh các phụ nữ, em gái DTTS phải cõng con, em trên vai khi đang làm việc hoặc học tập, nghỉ ngơi. Trong vai trò cộng đồng (già làng, trưởng bản...), các công tác xã hội, có rất ít tỷ lệ nữ giới tham gia vai trò này do phụ nữ hầu như đều phải đảm nhiệm chính trong vai trò tái sản xuất giống như nam giới, nhưng lại không được đánh giá cao do đó có ít thời gian và tâm sức để tham gia hoạt động cộng đồng.
Tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ Ia Pa (Gia Lai) |
Chính những định kiến giới và những truyền thống văn hóa cổ hủ khiến cho người phụ nữ DTTS luôn phải gồng mình chịu đựng gánh nặng công việc kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Họ không có thời gian để nâng cao kiến thức, kỹ năng, giao tiếp hòa nhập xã hội; thậm chí còn không có thời nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ người DTTS lại còn phải gánh chịu thêm rất các hình thức bạo lực do chồng gây ra, đặc biệt là các hành vi bạo lực thể chất. Những điều đó tạo ra sự bất bình đẳng một cách có hệ thống mà gỡ chỗ nọ lại vướng chỗ kia, cản trở sự phát triển của phụ nữ DTTS.
Chính những nguyên nhân đó khiến phụ nữ DTTS chịu sự bất bình đẳng giới lớn hơn so với phụ nữ dân tộc Kinh. Nhìn nhận về giới và đặc điểm giới vùng đồng bào DTTS và MN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy thế mạnh mỗi giới, đồng thời hạn chế sự thiệt thòi, bất bình đẳng giới, giúp xã hội phát triển cân bằng và lành mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ DTTS.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào DTTS và MN
Mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS&MN là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ vùng DTTS và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Để tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ DTTS phát triển, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới khu vực này, cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Có các chính sách đặc thù để hỗ trợ cho đồng bào các DTTS nói chung và phụ nữ nói riêng nhằm giúp họ có thêm nguồn lực, tri thức để dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm; phát triển kinh tế.
Phụ nữ huyện Mai Châu (Hòa Bình) được tư vấn pháp luật về bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất. |
Nâng cao vị thế phụ nữ DTTS thông qua việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, cải thiện việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực cho phụ nữ. Ví dụ: tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ được tham gia các hoạt động tín dụng, tiếp cận với nguồn vốn, giúp họ được tham dự các khoá tập huấn về làm ăn kinh tế, khoa học kỹ thuật và nâng cao hiểu biết về luật pháp, đồng thời.
Khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động xã hội; giúp họ có điều kiện giao tiếp, gặp gỡ, trao đổi, mở mang kiến thức và hiểu biết xã hội, từ đó gián tiếp giúp họ tăng quyền năng, tăng cường năng lực ra quyết định và khả năng thực hiện quyết định về xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp của phụ nữ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ nữ hiểu nắm được những nội dung cơ bản của bình đẳng giới, về giá trị của bản thân trong xã hội, từ đó giúp họ tự tin, chủ động khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, chủ động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và nâng cao trình độ mọi mặt.
Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ này ở vùng đồng bào DTTS.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật về nông nghiệp ở những vùng này, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng DTTS có việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ.
Trong xã hội nào cũng vậy, người phụ nữ có hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc, trong gia đình, người phụ nữ có tri thức, có sức khỏe sẽ cùng chồng nuôi dạy những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, thúc đẩy bình đẳng giới khu vực này sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng, một xã hội giàu mạnh và hạnh phúc. Điều này không chỉ bản thân người trong cuộc, mà đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia./.