Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Nhiều người dân đi khám vì kiến ba khoang gây viêm da

Thứ Tư, 08/11/2023 18:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 8/11, Bệnh viện Da liễu Huế cho biết tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 ca bệnh, trong đó từ tháng 10 đến đầu tháng 11 có hơn 100 ca điều trị viêm da do kiến ba khoang (KBK).

Bác sĩ BV Da liễu khám cho 1 trẻ bị bỏng vùng chân, lưng, mặt do tiếp xúc với kiến ba khoang. (Ảnh: Linh Tuệ) 

Tại một số trung tâm y tế Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền… mỗi ngày đều có bệnh nhân đến khám vì tiếp xúc với loại côn trùng này.

Các trường hợp nói trên có biểu hiện da phồng rộp, đau rát, nổi mụn nước… Một số bệnh nhân nhập viện có triệu chứng sốt, nổi hạch, nhiễm trùng buộc phải điều trị kháng sinh.

Theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế, nếu bị kích ứng da nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Thời gian điều trị bệnh viêm da do KBK khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Tình trạng vết thương lan rộng và nhiễm trùng, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, tư vấn; Tuyệt đối không được đắp các loại lá hoặc điều trị theo phương pháp dân gian.

Trong tuần đầu tháng 10/2023, các địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận dịch kiến ba khoang bùng phát trở lại, tấn công người dân. Tại trường CĐ Nghề Công nghiệp Huế (TP Huế), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (huyện Phong Điền), Trại tạm giam (huyện Phú Vang) có kiến ba khoang ở hành lang và một số phòng phía trong. Những nơi này đã được Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến xịt thuốc diệt kiến ba khoang. Ngoài ra, tại các chung cư cao tầng ở TP Huế như chung cư thu nhập thấp Vicoland, chung cư Trường An… cũng có ghi nhận có kiến ba khoang. Một số nhà phải đóng cửa cả ngày để phòng kiến tấn công vào. 

Một trường hợp bị kiến ba khoang đốt gây viêm da trên mặt. Ảnh: Đăng Nguyên.  

ThS.BS. Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết kiến ba khoang có xuất hiện trên nhiều vùng ở tỉnh nhưng với mật độ rải rác. Điều này khác với năm ngoái, khi kiến ba khoang chỉ thấy ở một số vùng với phạm vi nhỏ.

Theo BS Hội, hiện người dân đã biết được thông tin về loại kiến độc này nhiều hơn nên đã biết cách phòng chống, đẩy đuổi khi thấy kiến xuất hiện trong nhà. “Tuy nhiên nếu bị kiến cắn, thì người dân phải rửa ngay vùng tiếp xúc với kiến bằng nước xà phòng thông thường. Vết chích bị nặng hơn như da phồng rộp thì phải đến các trung tâm da liễu để khám và xin thuốc” – BS Hội khuyến cáo.

Kiến ba khoang sống ven ruộng, gốc rạ, bãi cỏ… Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da. Chúng thường xuất hiện đầu mùa mưa, nhất là sau khi mùa gặt kết thúc. Khi thấy ánh đèn, loại côn trùng này theo ánh đèn bay vào nhà. Nếu người bệnh không chú ý chà xát sẽ gây nên tình trạng viêm da bọng nước.

Tại một số địa bàn… các đơn vị đã tăng cường truyền thông ngăn KBK xâm nhập vào nhà ở, cơ quan, trường học đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh viêm da khi tiếp xúc với loại côn trùng này./.

Hải Triều (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN