Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
(ĐCSVN) - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có ý nghĩa quan trọng khi góp phần giải quyết một trong những điểm nghẽn lớn của Hà Giang về hạ tầng giao thông, giúp Hà Giang phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công. |
Chiều 28/5, tại tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1).
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh Hà Giang, với quy mô đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp. Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 27,5km, điểm đầu nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Lễ khởi công. |
Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành hành lang phát triển kinh tế từ thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Hà Giang - Tuyên Quang, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020 (1.163 km).
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý, hiệu quả; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông và những người dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). |
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền, địa phương. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, địa phương, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng được Chính phủ phân cấp cho hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là một dự án có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía Bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng, đây cũng là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chậm nhất là 31/12/2025 phải thực hiện xong dự án. |
Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết một trong những điểm nghẽn lớn của Hà Giang, đó là hạ tầng giao thông. Giao thông càng thuận lợi, Hà Giang càng phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mình, có nhiều cơ hội, điều kiện hơn để phát triển nhanh, bền vững, đời sống của nhân dân Hà Giang sẽ được cải thiện tốt hơn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra: “Đến năm 2030 Hà Giang là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”, tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, khí thế mới đồng thời tạo ra không gian phát triển khu công nghiệp và dịch vụ mới.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền các cấp của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, cùng các Bộ ngành chức năng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thực hiện được một khối lượng công việc lớn trong quá trình chuẩn bị dự án. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự đồng hành, chia sẻ của hàng trăm hộ dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua đã ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhường đất, dời nhà, chuyển đến nơi ở mới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thủ tướng động viên, tặng quà đơn vị tham gia thi công tuyến cao tốc. |
Thủ tướng lưu ý các địa phương khi di dời các hộ dân vùng dự án phải quan tâm đến công tác tái định cư, chăm lo đời sống, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, đảm bảo nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cùng với đó, cần tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng; phải quyết tâm làm cho bằng được dự án; chậm nhất là 31/12/2025 phải thực hiện xong dự án này. Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án cùng với các nhà thầu tư vấn và nhà các nhà thầu thi công xây dựng công trình phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, tiết kiệm chi phí, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thi công nhanh, thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đấu thầu.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án bảo đảm mục tiêu chung là chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả như đã được thẩm định và phê duyệt./.