Thu phí ra vào sân bay: Cần minh bạch và tránh phí chồng phí
(ĐCSVN) – Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, việc Bộ Giao thông vận tải nhiều lần thúc giục, yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) không thu phí với xe ra vào sân bay dưới 10 phút là hợp tình, hợp lý với thực tế hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng và doanh nghiệp. Song, đến nay ACV vẫn chưa triển khai thu phí theo thời gian (block time), thậm chí sẽ vẫn thu phí ô-tô ra vào sân bay dưới 10 phút.
Ảnh minh họa (Ảnh: P.H) |
Thực tế, ngoài việc Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất phương án không thu tiền đối với xe ra, vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến là 10 phút, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu ACV phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian ô-tô ra, vào các cảng do đơn vị này quản lý, hoàn tất và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31/3/2020. Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua, đến nay ACV vẫn chưa đưa hệ thống này vào khai thác, đồng thời khẳng định sẽ không miễn phí với thời hạn 10 phút như yêu cầu của Bộ.
Trao đổi với báo chí, đại diện ACV cho hay, chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô-tô ra, vào tại 21 cảng hàng không vào khoảng 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ACV là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm tới 95,4% vốn, việc đầu tư mua sắm tài sản phải tuân thủ các quy định, quy trình về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép thi công... nên thời gian kéo dài.
Về khả năng miễn thu phí xe vào sân bay dưới 10 phút, dẫn thông báo số 329/TB-VPCP ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, đại diện ACV cho rằng, sẽ không miễn phí cho xe sử dụng block đầu tiên, dự kiến là 10 phút, mà sẽ thu mức phí hợp lý. Cụ thể, đơn vị này đang xây dựng phương án thu phí 21 cảng theo block time, để trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, sau đó sẽ triển khai áp dụng tại các cảng.
Còn hiện tại, ACV vẫn triển khai việc thu phí… thủ công.
Theo phản ánh của nhiều lái xe thường xuyên chở khách vào sân bay, ngoài tiền cước xe, tài xế rất khó giải thích mỗi khi khách phản ứng về yêu cầu phải trả thêm 10.000 - 15.000 đồng phí ra cổng sân bay. Đặc biệt, khách thường xuyên di chuyến đến Tân Sơn Nhất bằng xe taxi “công nghệ” rất khó chịu khi phải chi trả thêm những khoản phí ngoài cước. Cụ thể, nếu đi xe GrabCar, ngoài tiền cước và 10.000 đồng phí ra cổng sân bay, khách còn tốn thêm 15.000 đồng tiền xe đậu ở nhà xe TCP (làn đón trả khách dành cho taxi “công nghệ” tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất), tổng cộng thêm 25.000 đồng tiền phí.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ACV không thu phí với xe ra vào sân bay dưới 10 phút là hợp tình, hợp lý với thực tế hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng và doanh nghiệp. Với xe đậu quá thời gian 10 phút, sân bay thu tiền phí là hợp lý hơn so tính tiền tất cả xe vào sân bay dù chỉ trả khách rồi đi ngay. Bởi sân bay cũng như bến cảng đường thủy, đường bộ phải có đường cho xe vào ra, cần kết nối giao thông với sân bay để tạo thuận tiện cho hành khách.
Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, đoạn đường nội bộ phía trong sân bay tạo điều kiện thuận tiện để hành khách vào nhà ga là thuộc đầu tư chung của cảng hàng không đó nên phải tính chung vào chi phí dịch vụ của sân bay, không thu riêng. Do đó, việc ACV quyết thu phí kể cả dưới 10 phút chẳng khác nào phí chồng phí cho khách hàng. Có vẻ như ACV đang cố tình chậm trễ trong lắp đặt hệ thống công nghệ tính thời gian tự động. Bởi công nghệ tính thời gian tự động là công nghệ phổ biến, không có lý do gì mà hơn một năm qua vẫn chưa triển khai xong và đưa vào áp dụng???
Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chậm trễ trong việc triển khai theo tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải đề ra là do đơn vị quản lý khai thác cảng là không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng phải có “cột mốc” thời gian quyết định triển khai, không du di cho doanh nghiệp chậm trễ để tận thu phí gây bức xúc cho khách hàng. Thực tế, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận rằng việc thu phí này là trái luật, ACV cần trả lại ngân sách tiền đã lỡ thu sai và chấm dứt việc thu phí xe vào sân bay.
Thậm chí, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho biết, Thanh tra Chính phủ đã nêu ý kiến về việc ACV dùng vào đâu khoản tiền 500 tỷ đồng phí xe vào sân bay đưa đón khách mà hãng đã thu từ những năm trước. Thực tế, mọi chi phí sử dụng cảng đã tính vào phí mà hãng hàng không thu hộ trong giá vé máy bay, ACV không được phép thu thêm. Hàng không, cụ thể là ACV, phải coi trọng hành khách như các phương tiện vận chuyển khác. Hiện ACV áp đặt luật riêng rất sai trong việc thu phí xe vào sân bay, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc ACV chậm triển khai khung pháp lý cũng như hạ tầng công nghệ để giải quyết vấn đề này có thể khiến dư luận đặt hoạt nghi về tiêu cực, lợi ích nhóm hay về việc đặt lợi nhuận lên trên yêu cầu của cơ quan chức năng và nhu cầu của hành khách.
Ngoài việc áp dụng mức phí mà nhiều chuyên gia cũng như cơ quan chức năng cho là bất hợp lý, việc ACV thu phí thủ công tại các sân bay, đặc biệt là sân bay lớn như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài còn gây nên tình trạng ách tắc trong những dịp cao điểm khi lượng xe ra vào cảng vượt quá khả năng phục vụ của đội ngũ thu soát vé.
Thiết nghĩ, dù với bất cứ lý do gì, ACV cũng không thể mãi lần lữa việc xây dựng và lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô-tô ra vào tại các cảng hàng không. Bên cạnh đó, là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm tới 95,4% vốn, ACV cần có trách nhiệm trong việc cân bằng lợi ích các bên, tránh nảy sinh những luồng dư luận trái chiều không đáng có về vị thế và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước đối với khách hàng và đông đảo người đân.
Về phía cơ quan quản lý, để hóa giải những bất cập này, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục và thống nhất phương án thu, bảo đảm đúng quy định, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng./.