Thu phí ôtô vào nội đô có giảm được ùn tắc?
(ĐCSVN) - Vừa qua, việc Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đưa ra đề xuất thu phí đối với ôtô đi vào trung tâm thành phố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới” (gọi tắt là Đề án). Hiện nay, đường vành đai 3 dài khoảng 65 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên và huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm. Khu vực ngoài vành đai 3 chiếm hơn 80% số điểm ùn tắc trên địa bàn, nhất là vào giờ cao điểm có lưu lượng phương tiện xe ôtô rất đông. Do vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất cần thu phí ôtô khu vực trong vành đai 3. Các phương tiện ngoài vành đai 3 khi đi vào nội thành sẽ bị thu phí. Theo lộ trình, đề án thu phí ôtô vào nội đô được xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt trong hai năm (2019, 2020); giai đoạn 2020 đến 2030, căn cứ vào nội dung được duyệt, cơ quan chức năng sẽ triển khai đề án.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất với UBND TP chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP với 34 cổng thu phí tự động không dừng, tổng kinh phí dự kiến 250 tỉ đồng nhằm hạn chế phương tiện vào trung tâm TP và giảm ùn tắc giao thông.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho biết, việc thu phí đối với phương tiện đi vào trung tâm tại thời điểm này là chưa hợp lý vì phương tiện giao thông công cộng đang rất yếu kém, mới đáp ứng được 10% - 12% nhu cầu đi lại của người dân, gần 90% người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại. Do đó nếu tiến hành thu phí phương tiện vào nội đô sẽ bắt người dân phải gánh thêm chi phí cho nhu cầu đi lại trong nội đô.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Mạnh Cường ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian vừa qua tôi có biết đến chủ trương của thành phố về việc thu phí giao thông vào nội đô. Tôi nghĩ rằng việc thu phí này khó khả thi và chưa phù hợp. Để xe lăn bánh trên đường chúng tôi đã phải nộp rất nhiều khoản phí. Bình thường khi đi vào nội đô Hà Nội, mỗi lần đỗ ở đâu là thu tiền ở đấy. Tới đây Thành phố mà có chủ trương thu phí vào nội đô thì sẽ dẫn đến nguy cơ phí chồng phí".
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Việc thu phí ôtô vào trung tâm nhiều nước trên thế giới đã thực hiện với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng giao thông trở nên quá tải. Thu phí sẽ góp phần điều chỉnh hành vi người điều khiển ôtô, thay vi đi qua khu vực trung tâm (bị thu phí) thì họ sẽ lựa chọn lộ trình khác hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, từ đó góp phần giảm ùn tắc. Tuy nhiên vấn đề là phải tính toán mức phí thu sao cho phù hợp, đặc biệt cần phải công khai, minh bạch khoản phí thu được chỉ dùng cho công tác chống ùn tắc.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc triển khai chủ trương này phải có sự đồng lòng và sự thống nhất từ trên xuống, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, đề xuất thu phí đối với phương tiện đi vào trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đặt ra vấn đề đó là vì sao người dân lại phải đóng thêm phí trong khi đã đóng rất nhiều các loại thuế, phí khác liên quan đến ô tô như: Thuế nhập khẩu ô tô, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, đăng kiểm, phí giao thông đường bộ, phí cầu đường…
Hiện nay, loại phí hạn chế phương tiện vào trung tâm thành phố không nằm trong quy định tại Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Việc áp dụng thu thêm loại phí này có thể dẫn tới nguy cơ loạn phí, gây khó khăn cho người dân và nhu cầu đi lại. Đối với những người kinh doanh vận tải, việc thu phí ô tô vào trung tâm sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lái taxi. Mức phí thu như thế nào cho phù hợp là điều cần được tính toán kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật.
Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, chủ trương trên được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước như Singapore, Anh… Song cần nhận thấy đó là các nước đã có hệ thống giao thông công cộng phát triển và đồng bộ, người dân có nhiều lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với nhu cầu và thu nhập. Ngược lại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện nay, hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng còn nhiều bất cập. Do đó, nếu chưa xác định được nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông và có các giải pháp triệt để thì việc thu phí liệu có thực sự khả thi hay chỉ là giải pháp tình thế với nhiều hệ lụy đi kèm?
Để triển khai thực hiện đề án này, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục xem xét, có những nghiên cứu toàn diện, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và người dân để tăng thêm sự đồng thuận của xã hội và giải quyết được vấn đề quá tải, ùn tắc giao thông. Trước mắt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là tại các “điểm nóng” qua đó bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân./.