Thủ phạm hay nạn nhân?
(ĐCSVN) - Một vụ việc nghiêm trọng, trong đó đối tượng dùng súng bắn bị thương ba người trong một gia đình tại tỉnh Gia Lai khiến dư luận bàng hoàng. Nghiêm trọng hơn, đối tượng chỉ là một cậu bé mới 10 tuổi và nạn nhân lại là gia đình chị ruột cậu bé.
Cậu bé Đinh Thuêm cùng cây súng tang vật tại cơ quan công an |
Vụ việc gây chấn động dư luận này xảy ra tại làng Tờ Cắt, xã Đắk Kơ Ning, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai), mà thủ phạm là cậu bé Đinh Thuêm, sinh năm 2010, trú tại địa chỉ trên. Còn nạn nhân là gia đình chị ruột cậu bé, gồm anh Đinh Be, sinh năm 2003, cùng vợ là chị Đinh Thị Bel, sinh năm 1993 và cháu Đinh Liết mới 1 tháng tuổi. Cả 3 đều bị thương, được đưa đi viện cấp cứu...
Được biết, cậu bé Đinh Thuêm có một gia cảnh rất bi đát: mồ côi cha sớm, mẹ đi lấy chồng. Cậu bé không có ai nuôi dưỡng, phải đi làm thuê sinh sống. Nhưng một đứa bé 10 tuổi thì khó có ai thuê, nên bé đi ăn xin và ăn cắp vặt, lớn lên như một thứ cỏ cây hoang dại giữa núi rừng.
Mỗi khi không kiếm được gì ăn, cậu bé lại đến nhờ vả chị. Nhưng nhiều lần không được ăn, còn bị la mắng, cậu bé đã mang lòng oán hận, đi trộm một khẩu súng kíp cùng thuốc đạn của một người dân trong làng, tự nhồi đạn và tối 19/12, đến lán trồng keo của gia đình chị Bêl, lúc đó đang ăn cơm. Cậu bé đã nhắm vào họ mà nổ súng...
Khi nghe tin này, tôi đã thật sự bàng hoàng và thấy thật khó tin. Vụ việc đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao ở một vùng đồng bào dân tộc, nơi mà sợi dây cố kết cộng đồng, dòng tộc và gia đình thường rất chặt chẽ lại xảy ra một chuyện động trời như vậy? tại sao đang ở vào cái tuổi “biết ăn chơi biết học hành là ngoan” cậu bé bỗng trở nên bạo lực? nhất là khi cậu sinh ra và lớn lên tại một nơi rất xa chốn thị thành xô bồ, những nơi thường xảy ra bạo lực? Cậu bé lấy súng ở đâu? Chẳng nhẽ việc quản lý vũ khí ở đó lỏng lẻo đến mức một cậu bé cũng có thể dùng súng bắn người? Ai dạy cậu cách sử dụng súng? Sự quản lý của chính quyền ở đâu? Và còn rất nhiều câu hỏi khác...
Tôi nghĩ tất cả chúng ta cần trả lời câu hỏi này để tìm ra nguyên nhân, ngọn nguồn của sự việc, dù đã muộn màng, mới mong có lời giải đáp để hạn chế những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai...
Bên cạnh việc đổ lỗi cho các trang mạng xã hội thường đầy rẫy cảnh bạo lực mà trẻ em có thể bắt chước và bị ảnh hưởng, chúng ta có thể thấy rất rõ cậu bé Đinh Thuêm đã có một “tuổi thơ bị đánh cắp”. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã nêu rất rõ: Mọi trẻ em dù là trai hay gái, giàu hay nghèo, khoẻ mạnh hay ốm yếu, khuyết tật đều phải được chăm sóc và bảo vệ, có quyền được học hành, quyền được vui chơi, giải trí... Còn Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam cũng chỉ rõ những vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm, như: nghiêm cấm hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em... Luật cũng chỉ rõ về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em… Nếu chiếu theo công ước và Luật trẻ em, có thể thấy cậu bé Đinh Thuêm không hề có quyền, hay nói cách khác, bé đã bị tước đoạt quyền sống của trẻ em...
Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ về quyền của trẻ em bị xâm phạm dẫn đến hậu quả đau lòng. Vừa qua, tháng 4/2020, đông đảo người dân rất đau xót khi nghe tin bé gái 3 tuổi ở phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) bị bố dượng và mẹ đẻ đánh đập khiến bé bị tử vong do chấn thương sọ não. Gần đây, dư luận lại phẫn nộ khi một người cha ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) trói tay, đánh đập tàn nhẫn con ruột 6 tuổi vì cho rằng bé lấy gạo đổ vào cát để nghịch... và còn rất nhiều ví dụ khác. Có thể thấy,khi những quyền cơ bản của một trẻ em không được thực hiện, từ đó xảy ra những vụ việc bất trắc, trách nhiệm hiển nhiên phải thuộc về người lớn, trước hết là của chính những người thân trong gia đình, rồi đến trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.
Nói về vụ việc trên, ông Chủ tịch huyện Kông Chro cho biết: huyện cũng rất bất ngờ khi xảy ra vụ việc. Hiện lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm hướng giúp bé trai, có thể sẽ đưa cháu và trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được hưởng chính sách bảo trợ sau khi xử lý vụ việc...
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền huyện, xã, thôn không biết có một cậu bé như vậy sống trên địa bàn mình quản lý, và không làm những việc cần thiết sớm hơn để không dẫn đến vụ việc đáng tiếc? Nhiều người khác cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm làm mẹ, làm chị của người thân cậu bé, về sự bàng quan, vô cảm của những người lớn hàng ngày vẫn sống xung quanh cậu bé, kể cả những người có trách nhiệm trong làng, trong xã...
Và với việc một cậu bé dễ dàng ăn trộm một khẩu súng và biết dùng súng thành thạo, qua đây cho thấy việc thu giữ, quản lý vũ khí, chất nổ của địa phương là hết sức lỏng lẻo, đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cần phải được xác minh và xử lý nghiêm túc để tránh để xảy ra những vụ việc tương tự...
Có thể rồi đây, những vết thương do đạn súng kíp gây ra trên cơ thể những nạn nhân sẽ lành dần theo thời gian. Tuy nhiên, chắc chắn những ký ức kinh hoàng sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí những nạn nhân và của cả thủ phạm -đồng thời cũng có thể coi là một nạn nhân của sự thiếu quan tâm, chăm sóc và giáo dục của gia đình, cộng đồng và chính quyền sở tại...
Theo Tiến sỹ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các vấn đề xã hội, xảy ra vụ việc trên một phần có nguyên nhân từ ảnh hưởng của tình trạng bạo lực trên các trang mạng xã hội, nhưng đồng thời cũng gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đòi hỏi chúng ta phải kịp thời có những giải pháp khắc phục và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm phát triển toàn diện về thể chất, đạo đức và nhân cách cho thế hệ trẻ, giúp họ trở thành những công dân thực sự hữu ích của đất nước trong tương lai.../.