Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan thuế và người nộp thuế

Thứ Sáu, 04/10/2024 13:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cơ quan Thuế mong muốn trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp, người nộp thuế, thông qua việc tương tác, chia sẻ và giải quyết triệt để các vướng mắc của họ.

Đó là chia sẻ của ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những nỗ lực của ngành Thuế trong thời gian qua để đồng hành, gỡ vướng, tạo thuận lợi cho  doanh nghiệp và người nộp thuế (NTT).

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế  Mai Sơn tại Hội nghị đối thoại với người nộp thuế tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam vừa được tổ chức vào ngày 29/9 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: TH)

Phóng viên: Ngành Thuế đã có những bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ để hỗ trợ người nộp thuế (NNT). Ông có thể chia sẻ về những định hướng chính và cách tiếp cận của cơ quan Thuế để trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp và NNT?

Ông Mai Sơn: Trong thời gian qua, ngành Thuế đã và đang tập trung vào việc cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa quy trình quản lý và phục vụ NNT. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt vai trò quản lý thuế mà còn hướng tới việc trở thành một đối tác tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp và NNT. Để thực hiện điều này, chúng tôi đã đưa ra một chiến lược cải cách toàn diện, bao gồm việc áp dụng công nghệ thông tin, cải tiến các thủ tục hành chính và mở rộng các kênh đối thoại, tương tác với NNT.

Một trong những bước tiến lớn là việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử như kê khai thuế, nộp thuế, và hoàn thuế trực tuyến, giúp NNT thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh chóng, thuận tiện. Chúng tôi đã triển khai ứng dụng etax mobile để người dân có thể quản lý và thực hiện các nghĩa vụ thuế ngay trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử, đặc biệt là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi, mang lại sự minh bạch và thuận tiện cho các doanh nghiệp và NNT.

Cơ quan Thuế cũng tập trung vào việc giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thuế. Những cải tiến này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn. Chúng tôi tin rằng, khi các thủ tục hành chính được đơn giản hóa và sự hỗ trợ công nghệ được mở rộng, người dân và doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tuân thủ chính sách pháp luật về thuế.

Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ, chúng tôi luôn coi trọng việc duy trì mối quan hệ cởi mở, minh bạch với NNT. Hàng năm, cơ quan thuế các cấp luôn tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và NNT trên toàn quốc. Đây là dịp để cơ quan Thuế lắng nghe ý kiến, tiếp thu phản hồi từ NNT, từ đó điều chỉnh các chính sách, quy trình quản lý quy định sao cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của NNT. Cuộc đối thoại vừa qua đã nhận được sự tham gia tích cực của hơn 300 doanh nghiệp và NNT, cho thấy nhu cầu đối thoại và mong muốn cải cách từ phía người dân và doanh nghiệp là rất lớn.

Cuộc đối thoại vừa qua, trên tinh thần trách nhiệm, cởi mở, cầu thị, những vướng mắc của doanh nghiệp và NNT đã giúp cơ quan thuế có cái nhìn rõ nét hơn, nắm bắt cụ thể hơn các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời hơn, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và chấp hành tốt nhất chính sách pháp luật thuế, yên tâm tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp và NNT gặp phải khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận thuế ngày càng phức tạp. Cơ quan Thuế đã và sẽ có những biện pháp nào để đảm bảo sự công bằng cho những NNT chấp hành tốt, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế?

Ông Mai Sơn: Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, để duy trì sự công bằng trong hệ thống thuế, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế, đồng thời bảo vệ quyền lợi của những NNT tuân thủ pháp luật. Gian lận thuế và trốn thuế không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, tạo sự bất công đối với những NNT chấp hành tốt, khiến họ phải gánh chịu thêm áp lực tài chính.

Trong bối cảnh hiện nay, các thủ đoạn gian lận thuế ngày càng tinh vi và phức tạp. Để đối phó với thực trạng này, ngành Thuế đã và đang triển khai một loạt các biện pháp công nghệ tiên tiến nhằm giám sát, phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi gian lận. Một trong những công nghệ mà chúng tôi đang áp dụng là trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phân tích dữ liệu, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình khai báo thuế. Ngoài ra, việc xây dựng môi trường hóa đơn sạch cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Bằng cách áp dụng hóa đơn điện tử, chúng tôi đã tạo ra một hệ thống minh bạch, giúp dễ dàng theo dõi và kiểm tra các giao dịch, từ đó ngăn chặn các hành vi gian lận liên quan đến hóa đơn.

Chúng tôi cũng tăng cường việc kiểm tra, rà soát hồ sơ thuế, đặc biệt là trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về gian lận thuế. Đồng thời, cơ quan Thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ những doanh nghiệp và NNT chấp hành tốt pháp luật thuế, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ trong trường hợp gặp phải các tình huống không công bằng.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng công nghệ thông tin và các giải pháp kỹ thuật số trong công tác quản lý thuế. Ngoài AI, chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính minh bạch và bảo mật cho các giao dịch tài chính liên quan đến thuế. Các công nghệ này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu sai sót và gian lận, từ đó đảm bảo một môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các NNT.

Phóng viên: Đối với những khó khăn mà doanh nghiệp và NNT phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai, cơ quan Thuế đã có những chính sách hỗ trợ nào để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Ông Mai Sơn: Chúng tôi luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và NNT trong những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trước các tác động nặng nề của dịch bệnh và thiên tai. Từ năm 2019 đến nay, cơ quan Thuế đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và NNT duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền thuế, phí và tiền thuê đất được gia hạn, miễn, giảm lên tới hơn 102.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn, thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch và thiên tai.

Bên cạnh các biện pháp tài chính, chúng tôi cũng tập trung vào việc giảm thiểu các thủ tục hành chính thuế phức tạp, giúp doanh nghiệp và NNT có thể nhanh chóng tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Cơ quan Thuế đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin và hướng dẫn qua các kênh trực tuyến, giúp NNT dễ dàng tiếp cận với các chương trình hỗ trợ mà không cần phải tốn quá nhiều thời gian và công sức.

Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách miễn, giảm thuế cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, doanh nghiệp và NNT sẽ có đủ nguồn lực để vượt qua khó khăn, tập trung vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Ngành Thuế cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh các chính sách, nhằm mang lại những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và NNT trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN