Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá hậu giám sát

Thứ Tư, 21/07/2021 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, sáng 21/7.

Báo cáo trước Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2020 và từ đầu năm đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công của năm và của giai đoạn 2016 - 2020; xem xét các báo cáo về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng...

Về nội dung giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 3: Việc thực hiện  pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung); Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. (Ảnh: TH)

Cơ bản thống nhất với dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Tờ trình dự kiến Chương trình đã đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình giám sát vừa qua của Quốc hội. Nhấn mạnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp,  đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị khi tiến hành giám sát, phải có kịch bản cho việc giãn cách, bố trí nhân sự tham gia các Đoàn giám sát, lãnh đạo Đoàn giám sát bao gồm đại biểu ở địa phương nhằm bảo đảm ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch, bệnh.

Chỉ rõ ngoài vấn đề vắc xin, vấn đề an sinh xã hội  rất quan trọng, đại biểu kiến nghị cần giám sát gói hỗ trợ của Chính phủ  62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, báo cáo hậu giám sát rất ít nên không biết sau giám sát địa phương, đơn vị thực hiện thế nào. Đại biểu  kiến nghị cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) đề nghị các địa phương, các đối tượng được giám sát phải có báo cáo kết quả đã thực hiện ra sao chứ không sẽ “như một lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi rút lưỡi dao lên thì nước lấp lại như cũ”.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và thực hiện ngay ở năm đầu nhiệm kỳ./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN