Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thêm chìa khóa để mở nhiều “cánh cửa”

Thứ Ba, 10/05/2022 10:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

LTS: Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Quy định này được đánh giá là đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, góp phần rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch. Cùng phóng viên Báo điện tử ĐCSVN tìm hiểu vấn đề này qua loạt 2 bài với nhan đề: Thêm chìa khóa để mở nhiều “cánh cửa”.

Bài 1: Tạo đột phá trong công tác cán bộ

(ĐCSVN) – Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ được kỳ vọng tạo đột phá trong công tác cán bộ. Điều này góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng, cho đất nước.

Ban Tổ chức Trung ương cho biết, qua gần 5 năm thực hiện Quy định 98-QĐ/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. (Ảnh: HH)

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ. Người chỉ rõ: “Đảng phải sử dụng cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây quý báu”, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong những phương hướng đã được Đại hội Đảng XIII xác định.

Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác cán bộ. Trong đó phải kể đến Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo;” Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý...

Gần đây nhất, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Theo đó, tại Quy định 65, Bộ Chính trị đã nêu rõ công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Thực hiện công tác này phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ.

Đối tượng được luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, như: Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhan dân, Chánh án Tòa án nhân dân Viện trưởng Kiểm sát nhân dân, cấp trưởng ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, huyện...

Cán bộ được luân chuyển phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển. Cán bộ có đủ sức khỏe và còn đủ thời gian công tác ít nhất 10 năm. Thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 36 tháng; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước rất cụ thể. Đáng chú ý, về nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển, Quy định 65 quy định cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín, tiêu chuẩn chính trị và các vấn đề khác có liên quan đến cán bộ theo quy định trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ.

Cơ quan nơi đến có trách nhiệm nhận xét, đánh giá định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín và các vấn đề có liên quan đến cán bộ luân chuyển và gửi cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ để phối hợp, theo dõi theo quy định.

Trên thực tế, công tác luân chuyển cán bộ cũng đã được triển khai từ lâu, đạt được nhiều kết quả. Gần đây nhất qua gần 5 năm thực hiện Quy định số 98 ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã luân chuyển 13.503 lượt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý. Qua đó, nhiều cán bộ qua thời gian luân chuyển đã có sự trưởng thành toàn diện hơn và đã có những đóng góp nhất định vào kết quả, thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị, được cán bộ, đảng viên đánh giá tốt. Đồng thời góp phần chủ động chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp kế cận cũng như lâu dài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có một số trường hợp lợi dụng chủ trương luân chuyển để “thăng quan phát tài”, “chạy luân chuyển” để có chức vụ cao hơn, “cái ghế” sáng hơn, thậm chí “hy sinh ngắn hạn” bằng cách “tráng men” thời gian ngắn để đổi lấy chức quyền lâu dài…. Với những mục đích không trong sáng như vậy nên những cán bộ “luân chuyển” này thậm chí thấy những người làm đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, "mũ ni che tai", giữ mình là chính. Mặt khác, cũng có trường hợp lợi dụng chủ trương luân chuyển để “đẩy” những người không hợp với mình, “không thuộc ê-kip” ra khỏi hệ thống… Tất cả những điều đó đã gây bức xúc trong dư luận và tác động tiêu cực tới công tác cán bộ.

Vì thế, thực hiện tốt Quy định 65-QĐ/TW với những ràng buộc, quy định rất rõ ràng của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, chúng ta tin tưởng rằng, công tác luân chuyển cán bộ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, trong sáng, tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện, thêm chìa khóa để mở nhiều “cánh cửa”; đồng thời, khắc phục được tình trạng “chạy” luân chuyển và cũng không còn việc “đẩy” cán bộ đi luân chuyển…/.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN