Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi”

Thứ Năm, 04/07/2024 12:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Hiện nay, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ và ruột.

 Các bác sĩ đang thực hiện ca lấy đa tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: BV
Ngay sau khi đưa 3 tạng (gan, tim, thận) từ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí về đến Huế, các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép thành công, cứu sống 3 bệnh nhân. Ảnh: BV

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Việt Nam là nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á. Chúng ta cũng là nước ASEAN duy nhất ghép được hơn 1.000 ca mỗi năm. Thế nhưng, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.

Thực tế cho thấy, ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/ 2010 tại Bệnh viện Việt Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Riêng năm 2023 có 16 ca chết não hiến tạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca chết não hiến tạng. Dù số ca chết não hiến tạng ở nước ta đã tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng.

Hiện mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện, trong đó có 24 bệnh viện ở miền Bắc, 29 bệnh viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết thêm, Malaysia có 34 triệu dân nhưng có đến 156 bệnh viện tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng.

Nhìn nhận về thực trạng hiến mô, tạng ở nước ta, bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ, số ca ghép tạng hằng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh. Trong khi đó một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, tỉ lệ tạng hiến từ người sau chết, chết não rất cao, từ 40-80%. Đây là những nước có nền văn hóa, tín ngưỡng giống với Việt Nam. Một người chết não có thể hiến được 2 giác mạc giúp 2 bệnh nhân có thể tìm lại ánh sáng; 1 quả tim, 1 phổi, 2 quả thận, 1 lá gan, cùng rất nhiều mô, tạng khác giúp hồi sinh cho không ít người.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới. Vì vậy, người dân đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời mang lại ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chỉ còn ghép tạng mới mang lại sự sống cho họ. Tạng của người chết ở Việt Nam chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tâm lý của nhiều người Việt Nam cho rằng người chết cần phải toàn thây, sự hiểu biết về ghép tạng trong cộng đồng chưa cao. Cùng với đó, việc tuyên truyền của các đơn vị đầu mối, trong đó có vai trò của các bệnh viện và hội vận động hiến ghép chưa được thực hiện đủ để đáp ứng tuyên truyền thông tin rộng khắp đến người dân, thông tin còn thiếu sự lan tỏa.

Người dân xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc. Ảnh: TL 

Theo Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiến mô tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Mỗi mô tạng, mỗi bộ phận cơ thể được hiến tặng sẽ là nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và đồng bào chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người đầy ý nghĩa và cao cả này. Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia và lòng vị tha của mỗi chúng ta.

Trong thực hành đạo Phật, đây là pháp môn "bố thí nội tài" vô cùng quý báu, giúp gieo trồng những hạt giống từ bi trong tâm hồn mỗi người. Đăng ký hiến mô, tạng là cơ hội để mỗi người thực tập giáo lý vô ngã ngay khi còn sống.

Khi đăng ký hiến tặng mô, tạng là chúng ta đã buông bỏ sự chấp thủ vào thân xác, thể hiện xác quyết giáo lý vô ngã, vô thường của Phật giáo. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô, tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng.

Tại lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" vào đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện thực hiện nghĩa cử này nhằm cứu sống người bệnh.

Hành động này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây xúc động mạnh trong nhân dân. Nhiều người bày tỏ ấn tượng mạnh với bức ảnh Thủ tướng nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Vượt qua mọi ngôn ngữ, đó là lời hiệu triệu từ lòng nhân ái, từ trái tim mạnh mẽ của tinh thần "thương người như thể thương thân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: Nhật Bắc 

Để chuyển tải sâu rộng hơn nữa ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người trong cộng đồng, tất cả chúng ta hãy mở lòng đối với việc hiến tặng mô, tạng. Hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang từng phút, từng giờ chờ đợi trong tuyệt vọng, hãy nghĩ đến những gia đình đang mong ngóng một phép màu. Chúng ta có thể trở thành những người mang lại phép màu đó, chúng ta có thể trở thành những người cứu sống mạng người. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp “Cho đi là còn mãi” đến mọi người xung quanh.

Với sự chung tay của cả cộng đồng, có thể tin tưởng rằng công cuộc hiến ghép tạng ở Việt Nam sẽ bước sang một trang mới./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN