Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng
(ĐCSVN) - Gia đình là nơi khởi nguồn sinh ra con người; là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn… của con người, không những thế, gia đình còn quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Chính vì vậy gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng của quốc gia thịnh vượng.
Mỗi một gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng của quốc gia thịnh vượng. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Không những thế, theo Bác, mỗi người đều có 2 gia đình đó là gia đình nhỏ của riêng mình, là tổ ấm để sớm tối đi về, còn gia đình lớn chính là Tổ quốc, nơi ấy, mọi người phải cùng có trách nhiệm vun đắp, dựng xây, để gia đình lớn ấy luôn luôn được: Độc lập, tự do, hạnh phúc.
Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh. Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
“Nước là cái nhà to” và “nhà chính là nước nhỏ” (Phan Bội Châu). Ngày nay khi đất nước đã có được độc lập, tự do, mỗi “tế bào”, mỗi “hạt nhân” của xã hội là gia đình có ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh mới có thể làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Chính vì vậy, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường như trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, phải chăng chúng ta rất cần tập trung xây dựng hạt nhân chính là gia đình.
Là nơi khởi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng, dạy dỗ… để con người trưởng thành vì thế mỗi gia đình tốt là cả xã hội tốt, quốc gia tốt. Trong gia đình, các thành viên có nhân cách ứng xử lệch lạc khiến giá trị, lối sống, chuẩn mực ứng xử của gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Sự khủng hoảng này có mối tương quan, liên hệ chặt chẽ với các vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng…
Thực tế hiện nay, một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó, dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống…Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Vợ chồng nếu không biết "giữ lửa" tình cảm cũng rất dễ bị nguội lạnh.
Thời đại công nghệ số, không thiếu những gia đình hiện nay thay vì vợ chồng gặp gỡ, tâm sự, trao đổi, chia sẻ trực tiếp với nhau, lại dùng đến phương tiện hỗ trợ là các thiết bị điện tử thông minh với những cú điện thoại hay dòng tin nhắn ngắn ngủi, vô cảm. Không có sự chia sẻ, không tìm được tiếng nói chung, tình cảm ngày một phai nhạt… đẩy nhiều gia đình đến tình trạng ly hôn, ly thân. Nhiều gia đình cố tình duy trì nhưng chỉ như cái “vỏ”, trong đó cốt lõi của gia đình không còn….
Gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi con người, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Gia đình cũng là "pháo đài" chống lại các tệ nạn xã hội, nuôi dạy con người trưởng thành. Để xây dựng gia đình với những giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, là thành trì vững chắc, thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người cảm thấy thật sự thoải mái, hạnh phúc mỗi khi trở về, mỗi người phải có ý thức xây dựng, vun đắp cho gia đình của chính mình với những giá trị tốt đẹp nhất cả về vật chất và tinh thần. Muốn vậy, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải là những con người chuẩn mực, sống có trách nhiệm, luôn chung thủy, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sự kết nối bền chặt giữa các thành viên trong gia đình…
Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng không phải là trách nhiệm của riêng mỗi cá nhân, mỗi gia đình nào mà đây chính là ước nguyện, là khát vọng của tất cả nhân loại tiến bộ trong xã hội vì vậy tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung tay vun đắp và “thắp lửa” trong mỗi một tổ ấm để góp phần gìn giữ, xây dựng, vun đắp cho "ngôi nhà lớn" là quốc gia, văn minh, thịnh vượng.