Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong hơn 140 năm qua
(ĐCSVN) – Trong tháng 7/2023, nhiệt độ trái đất nóng hơn 1,18°C (2,12°F) so với mức trung bình và đã phá vỡ các kỷ lục được thiết lập trong 143 năm qua. Nói cách khác, thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng kỷ lục kể từ năm 1880.
Đây là kết quả do Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard (GISS) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố vào ngày 14/8.
Cụ thể, trong tháng 7/2023, nhiệt độ trái đất đã nóng hơn 0,43 độ F (0,24 độ C) so với bất kỳ tháng 7 nào khác được ghi nhận trong hồ sơ của NASA. Nền nhiệt này cũng nóng hơn 2,1 độ F (1,18 độ C) so với tháng 7 trung bình được thống kê trong giai đoạn từ 1951 đến 1980.
Kết quả phân tích này của NASA đã tiếp tục củng cố nhận định do Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu đưa ra vào tuần trước rằng, thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận cả trên đất liền và trên biển. Nắng nóng dữ dội đã thiêu đốt nhiều khu vực ở Bắc bán cầu, bao gồm cả miền nam châu Âu, trong khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình cũng được ghi nhận ở một số quốc gia Nam Mỹ và lục địa Nam Cực. Các kỷ lục này được cảnh báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với cả con người và hành tinh vốn đang phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn bao giờ hết.
Thế giới vừa trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử
Sự kết hợp của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến nắng nóng liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Ảnh: The Star |
Theo lý giải từ Quản trị viên NASA – ông Bill Nelson thì: "Dữ liệu của NASA đã xác nhận điều mà hàng tỷ người trên khắp thế giới đã cảm thấy theo đúng nghĩa đen, khi tháng 7/2023 là thời điểm thế giới đã trải qua tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Ở mọi ngõ ngách của nước Mỹ, người dân đang trực tiếp trải qua những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Dữ liệu của NASA cũng chỉ ra rằng, các khu vực ở Nam Mỹ, Bắc Phi, Bắc Mỹ và Bán đảo Nam Cực đã ghi nhận nền nhiệt “đặc biệt nóng”, có thời điển tăng lên 7,2 độ F (4 độ C) trên mức trung bình.
Theo NASA, nhiệt độ mặt nước biển cao đã góp phần đẩy nền nhiệt của tháng 7/2023 lên mức nóng kỷ lục. Phân tích của cơ quan này cho thấy nhiệt độ ở vùng nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương đặc biệt ấm và đây là bằng chứng cho thấy hiện tượng El Nino đã bắt đầu phát triển vào tháng 5/2023.
Nhìn chung, nắng nóng gay gắt trong mùa hè này đã khiến hàng chục triệu người phải chịu cảnh báo về nhiệt độ. Hiện tượng thời tiết này đã dẫn tới hàng trăm ca bệnh và tử vong liên quan đến nền nhiệt.
Trong nhiều ngày qua, nắng nóng cực đoan đã thiêu đốt nhiều vùng của nước Mỹ. Ngày 13/8, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ đã cảnh báo về nắng nóng tại 1/3 lãnh thổ nước này, trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục duy trì ở mức nguy hiểm đối với hàng triệu cư dân. Hiện hơn 115 triệu người sinh sống tại 16 tiểu bang của Mỹ đang được cảnh báo về tình trạng nắng nóng cực đoan gây nguy hại cho sức khỏe.
Cảnh báo xu hướng dài hạn về sự nóng lên của trái đất
Giám đốc GISS Gavin Schmidt phát biểu trực tuyến trong một cuộc thảo luận về dữ liệu nhiệt độ toàn cầu tại trụ sở của NASA ở Washington, D.C. (Mỹ), ngày 14/8/2023. (Ảnh: Xinhua) |
Nền nhiệt nóng kỷ lục trong tháng 7/2023 đã tiếp tục xu hướng nóng của trái đất, với nguyên nhân từ các hoạt động của con người, chủ yếu do phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Điều này đã chứng minh cho xu hướng dài hạn về sự nóng lên đáng kể của bề mặt trái đất mà chúng ta đã thấy trong bốn thập kỷ qua.
Theo dữ liệu của NASA, trong 5 năm qua, thế giới đã liên tiếp trải qua các tháng 7 nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 1880.
"Khoa học đã chứng minh đây là diễn biến bất thường. Tình trạng nóng lên đáng báo động trên toàn thế giới chủ yếu do phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người. Sự gia tăng nhiệt độ trung bình đang thúc đẩy nhiệt độ cao tới mức nguy hiểm mà mọi người trên toàn thế giới đang trải qua” - Giám đốc GISS Gavin Schmidt cảnh báo.
Nhiệt độ cao tới mức cực đoan đã góp phần gây ra những vụ cháy rừng tàn khốc và những đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc bán cầu. “Những thay đổi mà chúng ta đang thấy đối với nhiệt độ trên bề mặt trái đất được phản ánh trong những đợt nắng nóng mà mọi người đang trải qua tại nhiều nơi… Chúng ta có thể khẳng định rằng, những đợt nắng nóng đang xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông, Tây Nam nước Mỹ, Trung Quốc và Nam Âu chính là hậu quả trực tiếp từ thực tế tằng toàn bộ hành tinh đang nóng lên”.
Đồng quan điểm trên, nhà khoa học trưởng và cố vấn khí hậu cao cấp của NASA – bà Katherine Calvin cho rằng, thay đổi khí hậu đang tác động đến con người và hệ sinh thái trên khắp thế giới. Trong tương lai, những tác động này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với nền nhiệt không ngừng gia tăng./.