Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Sáu, 07/05/2021 16:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Từ đầu năm đến nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và giảm hơn so với cùng kỳ năm 2020. Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn nhiều vướng mắc cả khách quan và chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân.

Đến thời điểm này mới có 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch.

(Ảnh: M.P).

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 86.010 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%).

Đáng chú ý, trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA là rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Bộ Tài chính cho biết, có 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Kiểm toán nhà nước (46,89%); Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%).

Còn lại, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 bộ, cơ quan trung ương và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do công tác giải phóng mặt bằng. Hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận dẫn đến nhiều trường hợp có đất thuộc diện được Nhà nước thu hồi yêu cầu bồi thường với giá cao hơn quy định và yêu cầu thỏa thuận.

Ngoài ra, cũng có vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên; việc đo đạc, kiểm đếm và áp dụng mức đền bù.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm, không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi. Quy trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất một số nơi chưa chặt chẽ, công khai minh bạch, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Đáng chú ý, có tình trạng chính quyền cấp cơ sở ngại va chạm với người dân do không nắm vững các quy định của pháp luật về công tác thu hồi đất.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc giải phóng mặt bằng, một trong những tồn tại của việc giải ngân vốn đầu tư công là công tác đấu thầu. Tồn tại này chủ yếu do các cơ quan thực thi, một số nơi còn chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ngoài ra, cũng có những vướng mắc khác liên quan đến quá trình thi công do những nguyên nhân như: giá vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm duyệt dự toán; thời gian cấp mỏ vật liệu phục vụ thực hiện dự án kéo dài hơn 18 tháng; có trường hợp nhà thầu không đủ năng lực thi công theo yêu cầu.

 Giải ngân vốn ODA “siêu” chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, công tác giải ngân vốn nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt rất thấp (1,05%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Bộ Tài chính cho biết, ngoài những nguyên nhân chung thì việc chậm giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài còn do chưa có khối lượng giải ngân. Cụ thể, tổng trị giá khối lượng hoàn thành được Kho bạc Nhà nước xác nhận chỉ đạt 1,7% dự toán do nhiều dự án đang ở giai đoạn mời thầu, đấu thầu, đấu thầu lại, phê duyệt hợp đồng, trình phê duyệt quy hoạch.

Bên cạnh đó, một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng phải chờ các xác nhận, đối chiếu khối lượng 3 bên giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn nên chưa thể chốt số liệu để kiểm soát chi và đề xuất giải ngân.

Đáng chú ý, còn có vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh Hiệp định vay nào dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước. Quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện Dự án là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài chậm. Đó là việc chậm trễ trong công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành) và quy định trong nước. Nguyên nhân này thuộc trách nhiệm của chủ dự án và ban quản lý dự án.

Đặc biệt cũng có vướng mắc trong triển khai các quy định mới liên quan tới quy trình quản lý định mức đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án, sử dụng vốn dư và cơ chế tài chính của các dự án sử dụng vốn nước ngoài, cơ chế thế chấp tài sản đối với khoản vay lại của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Cùng với đó, tác động của đại dịch COVID-19 đối với các dự án vốn nước ngoài vẫn còn kéo dài do nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt tỷ lệ cao nhất khi hết niên độ ngân sách, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng quy định tại các luật hiện hành và triển khai các quy định mới liên quan đến quản lý định mức đầu tư.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ- CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án./.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN