Thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc sau 20 năm tái lập tỉnh
(ĐCSVN) - Sau 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Đặc biệt, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư.
Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 01/1/1997 sau 28 năm hợp nhất với tỉnh Vĩnh Phú. Khi tái lập, tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết năng suất và hiệu quả kinh tế thấp… Nhưng, với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển. Sau 20 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Tốc độ tăng trưởng nhiều năm đạt ở mức cao, đặc biệt có những năm đạt trên 20% và bình quân giai đoạn 1997-2016 ước đạt 15,37%/năm. Ước đến năm 2016, quy mô nền kinh tế tăng gấp 39,5 lần so với năm 1997 và đạt 77,2 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tăng 33,2 lần từ 2,18 lên 72,3 triệu đồng/người/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,4% lên 61,97%, ngành dịch vụ giảm từ 36,5% xuống còn 27,78% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 45,1% xuống còn 10,25% trong cơ cấu nền kinh tế.
Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh. Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được và có điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2016 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 251 lần so với năm 1997). Chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ của tỉnh.
Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Là tỉnh đi đầu cả nước trong việc ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời thiết lập, vận hành cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp - chính quyền; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính; triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư và triển khai mô hình “cà phê doanh nhân” định kỳ thứ sáu hàng tuần lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp... Do đó, các doanh nghiệp có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 856 dự án, gồm 227 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,4 tỷ USD; 629 dự án DDI với số vốn đăng ký 49,2 nghìn tỷ đồng và 7.394 doanh nghiệp dân doanh với số vốn đăng ký kinh doanh đạt 55,9 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp khẳng định là nền tảng của nền kinh tế. Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp... Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong top đầu của cả nước. Từ chỗ chỉ có 1 KCN với quy mô 50ha, đến nay tỉnh có 11 KCN đã được thành lập với diện tích 2,3 nghìn ha. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức,...
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đi tiên phong trong cả nước. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, hình thức sản xuất chuyển biến tích cực, đúng hướng, đem lại hiệu quả ngày càng cao. Đã hình thành nhiều vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá tập trung; giá trị thu nhập đến năm 2015 đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 7,2 lần so với năm 2000. Chăn nuôi khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại giá trị thu nhập cao; nhiều trang trại, khu chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến được hình thành. Sản xuất thủy sản phát triển khá, diện tích nuôi trồng hằng năm ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng bình quân 10,7%/năm. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, đến hết năm 2015 có 68/112 xã và 2 huyện Yên Lạc, Bình Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2016 có thêm 24-28 xã đạt chuẩn.
Các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh du lịch có nhiều đổi mới, các công trình phục vụ văn hoá, du lịch như Quảng trường, Nhà hát, Văn Miếu tỉnh, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường, Khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải... được đầu tư đã thu hút hàng triệu lượt khách ngoài tỉnh đến với tỉnh. Kinh doanh thương mại đang dần phát triển theo hướng hiện đại, văn minh đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, ước đến năm 2016 đạt 1,76 tỷ USD đưa nhịp độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 34,9%/năm. Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đi lại của nhân dân. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển nhanh. Các dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh, nguồn vốn tín dụng đã và đang góp phần hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội ở địa phương.
Với kết quả trên có thể thấy, sau 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm duy trì ở mức cao. Bình quân giai đoạn 1997-2016 tăng 15,37%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 39,5 lần so với khi tái lập và đạt 77,2 nghìn tỷ đồng. Từ một tỉnh phụ thuộc, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, tổng thu đạt trên 28,5 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc là địa phương đi trước cả nước trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã xác định đúng hướng, có bước đi phù hợp, đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thu hút đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại dần hình thành một bộ mặt đô thị mới Vĩnh Phúc