Thành quả đáng trân trọng
ĐCSVN) - Việt Nam hôm nay đã vượt lên trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Đây thực sự là thành quả đáng trân trọng, là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Thông tin do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra vào ngày 05/01/2022 cho biết, đến nay, Việt Nam đã bao phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi; bao phủ 90% mũi hai. Tỷ lệ dân số 12-17 tuổi được tiêm mũi một là 86%; mũi hai là 57%. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng, kết quả này là sự ghi nhận xứng đáng đối với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và mỗi công dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Cuba tại Việt Nam chứng kiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận tượng trưng lô vaccine Abdala từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. (Ảnh: NĐ). |
Đặt trong bối cảnh cả nhân loại bị đe dọa bởi đại dịch COVID-19, việc tiếp cận nguồn cung vaccine phòng COVID-19 gặp nhiều khó khăn, thì kết quả tiêm phòng nói trên có được trước hết xuất phát từ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, các chính sách điều hành hợp lý của Chính phủ và tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong cả nước. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Đảng ta đã xác định quyết tâm phòng, chống dịch với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục điều chỉnh bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, chúng ta phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt, nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Khi khó khăn về nguồn cung vaccine được tháo gỡ, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay để bảo vệ sức khỏe của người dân cả nước. Kết quả, nếu như cuối tháng 4/2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, cả nước mới tiêm được 320.000 liều vaccine phòng COVID-19 thì đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đây được coi là thành công lớn của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Cùng với đó, các cơ quan cũng đang đặt mua vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã có trên 700 trạm y tế lưu động được thiết lập ở các phường, xã; hơn 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội, công an được điều động hỗ trợ địa phương thực hiện giãn cách xã hội và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Những con số nói trên thực sự có ý nghĩa khi trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chịu những tác động lớn do dịch COVID-19 gây ra. Song, với bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, chúng ta đã nỗ lực thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, trọng tâm là mở rộng diện bao phủ vaccine phòng COVID-19. Không chỉ cán bộ, người lao động tại các khu vực trung tâm mà hàng chục triệu người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Việc tiêm bao phủ vaccine không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, mà còn trực tiếp củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính sách an sinh xã hội của Chính phủ; đồng thời, cũng là minh chứng sinh động, đập tan mọi luận điệu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng dịch COVID-19 để chống phá Đảng, Nhà nước.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TL). |
Thực tế, ngay sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên và dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Việt Nam đã xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19; tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất; phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước đến nay. “Chiến lược vaccine” của nước ta tập trung vào các nội dung chính như nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước… Việt Nam cũng tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao và huy động các nguồn lực tài chính để sớm tiếp cận nguồn cung vaccine. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, các chuyên gia khoa học cũng là cơ sở quan trọng để chúng ta khống chế, ngăn chặn dịch COVID-19 và thành công trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng.
Được biết, đến hết tháng 12/2021, với những nỗ lực toàn diện, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau từ nhiều nguồn: Ngân sách nhà nước là gần 96,92 triệu liều và nguồn viện trợ, tài trợ là trên 95,08 triệu liều. Trong tổng số liều vaccine đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 112 đợt với tổng số 175,1 triệu liều; số vaccine còn lại hiện đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine và phân bổ cho các địa phương trong thời gian gần nhất.
Với sự xuất hiện của các biến chủng mới, nhất là biến chủng Omicron xuất hiện và đã thâm nhập vào Việt Nam, các chuyên gia dự đoán trong năm 2022, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó đoán định. Các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, những kết quả trong tiếp cận nguồn vaccine, nhất là việc trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 để vừa bảo vệ tính mạng, cuộc sống của nhân dân, vừa phát triển kinh tế xã hội đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.