Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Hoá: Hàng nghìn học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Chủ Nhật, 20/10/2024 15:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có 5.200 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, cơ quan chức năng đã xử phạt số tiền 3,8 tỷ đồng.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá thực hiện đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông lứa tuổi học sinh.

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của UBND tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT được triển khai sâu rộng, đặc biệt là việc tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong các trường học; tuyên truyền “Đã uống rượu, bia - không lái xe”…

Đồng thời, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, sửa chữa; các tuyến giao thông đô thị được tổ chức phân luồng hợp lý; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường, trong đó, tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quá khổ, quá tải trọng và các vi phạm khác là nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông.

Các kế hoạch, phương án bảo đảm ATGT trong các dịp lễ, Tết, kỳ thi tuyển sinh... được phối hợp triển khai đồng bộ, bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, thuận tiện; công tác bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy được chú trọng; trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo quản lý, thực thi công vụ trong lĩnh vực ATGT được nâng cao. Các ngành và các địa phương đã tổ chức ra quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2024 với mục tiêu kiềm chế, giảm TNGT ngay từ những tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá, 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 694 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 291 người, làm bị thương 597 người; so với cùng kỳ 2023 tăng 11 vụ (tăng 1,6%), giảm 30 người chết (giảm 9,3%), tăng 31 người bị thương (tăng 5,5%). Nguyên nhân xảy ra TNGT được xác định chủ yếu do ý thức tham gia giao thông của người dân.

Trong đó, tai nạn do vi phạm về tốc độ xảy ra 110 vụ, chiếm 16% về số vụ; vi phạm về phần đường xảy ra 83 vụ, chiếm 12,1%; thiếu chú ý quan sát xảy ra 207 vụ, chiếm 30% số vụ; vi phạm nồng độ cồn xảy ra 25 vụ, chiếm 3,6% về số vụ; tránh vượt sai quy định xảy ra 43 vụ, chiếm 6,2% số vụ; do chuyển hướng sai xảy ra 57 vụ, chiếm 8,3% số vụ. Các lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt 88.425 trường hợp, tạm giữ 23.316 phương tiện; tước GPLX, đăng ký, đăng kiểm, phù hiệu 12.736 trường hợp; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 204 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 12.284 trường hợp (tăng 16%), số tiền phạt tăng hơn 25 tỷ đồng (tăng 13,6%).

Đáng chú ý, trong số các trường hợp, vụ việc vi phạm giao thông kể trên, có 21 học sinh tử vong và 103 học sinh bị thương. Nguyên nhân của tình trạng trên là do học sinh phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ…

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, ngành giáo dục đưa ra đánh giá cụ thể để có giải pháp xử lý trong thời gian tới. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh cũng như hiệu trưởng các nhà trường!.

Thiếu tướng Trần Phú Hà - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho lứa tuổi học sinh. Công tác tham mưu, công tác phối hợp và triển khai các biện pháp phải thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Theo Thiếu tướng Trần Phú Hà, bây giờ các cháu học sinh sử dụng điện thoại, mạng xã hội rất nhiều, cần triệt để lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền giáo dục được hiệu quả hơn.

Việc tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo đảm ATGT, nhất là đối tượng học sinh, đoàn viên, thanh niên. Tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, trong đó cần chú trọng tăng cường xử lý chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn, quá tải trọng; xe đưa đón học sinh, công nhân hết hạn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Thực tế cho thấy, công tác đảm bảo TTATGT nói chung, đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh nói riêng đã được các địa phương, các trường triển khai ngay từ đầu năm. Tại các buổi tuyên truyền, Công an các đơn vị đều tổ chức cho các học sinh, giáo viên ký cam kết không vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số học sinh chấp hành vẫn còn không ít học sinh chưa thực hiện nghiêm các cam kết, điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm đúng quy định, chở quá số người quy định, thậm chí điều khiển cả xe gắn máy trên 50 phân khối khi chưa có bằng lái xe…

Về lâu dài, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục con em đang trong độ tuổi học sinh, chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, không ai khác, chính các bậc phụ huynh phải làm gương cho con học tập, làm theo mỗi khi tham gia giao thông, qua đó hình thành thói quen, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ một cách triệt để./.

Tin, ảnh: Bùi Nga

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN