Tết Trung thu nhiều loại đồ chơi truyền thống chiếm ưu thế
(ĐCSVN) - Như thường lệ, vào mỗi dịp Tết Trung thu, tại khu vực phố cổ của Thủ đô Hà Nội lại nhộn nhịp hoạt động mua bán các mặt hàng phục vụ những “thượng đế nhí”. Một điều dễ dàng nhận thấy của thị trường đồ chơi Trung thu năm nay là các sản phẩm đồ chơi truyền thống, đồ chơi dân gian đang chiếm ưu thế.
Một số tuyến phố như: Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Lương Văn Can... từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến của nhiều người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương vào mỗi dịp Tết Trung thu. Du khách đến các tuyến phố này không chỉ để được ngắm nhìn, cảm nhận không khí chuẩn bị cho Tết Trung thu mà còn để mua sắm đồ chơi, giáo dục về văn hoá truyền thống cho con trẻ. Năm nay, chủng loại đồ chơi Trung thu ở khu vực phố cổ phong phú hơn hẳn mọi năm. Ngoài những đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ làm bằng giấy bồi, tò he, trống con… còn có khá nhiều loại đồ chơi khác như mặt nạ hình các nhân vật hoạt hình làm bằng nhựa, trang phục của những nhân vật hoạt hình được các em nhỏ yêu thích...
Tìm hiểu được biết, do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, năm nay các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu đã hạn chế nhập hàng Trung Quốc. Thay vào đó là các loại đồ chơi truyền thống, đồ chơi dân gian của Việt Nam được bày bán ở những vị trí đẹp nhất, dễ thấy nhất ngay mặt tiền của cửa hàng.
Chị Thu Nga, chủ một cửa hàng đồ chơi ở phố Hàng Mã chia sẻ: "Mấy năm trở lại đây, đồ chơi truyền thống được ưa chuộng nên tôi đã chủ động tìm nguồn hàng và nhập về nhiều hơn. Nhiều phụ huynh thường hỏi đồ chơi truyền thống chứ không thích mua đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc do tâm lý lo sợ không an toàn cho trẻ nhỏ. Các loại đồ chơi trong nước khá bắt mắt về mẫu mã và linh hoạt về giá cả nên được khá nhiều người hỏi mua”.
Ghi nhận thực tế tại các quầy hàng đồ chơi dọc theo một số phố như: Hàng Mã, Hàng Lược..., nhờ sự đa dạng về mẫu mã và giá cả phải chăng nên các loại đồ chơi truyền thống, đồ chơi dân gian đã trở thành sự lựa chọn của khá nhiều người tiêu dùng. Ví dụ, một chiếc đầu sư tử truyền thống với thiết kế đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ có giá chỉ từ 170 - 200 nghìn đồng. Hoặc những chiếc đèn lồng bằng giấy được sản xuất trong nước với nhiều hình ảnh hoạt hình ngộ nghĩnh kèm theo bóng đèn led và thiết bị phát nhạc, người tiêu dùng cũng chỉ phải trả số tiền 50 - 60 nghìn đồng; hay những chiếc đèn ông sao quen thuộc cũng có giá bán từ 10 - 20 nghìn đồng tuỳ theo từng loại với kích cỡ khác nhau…
Cùng cậu con trai 4 tuổi đi chọn đồ chơi, chị Phạm Như Quỳnh ở thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Đã thành thói quen, năm nào trước dịp Tết Trung thu, tôi cũng cho cháu về Hà Nội và đến tham quan phố Hàng Mã. Năm nay, đồ chơi phong phú hơn hẳn; trong đó, có nhiều loại đồ chơi truyền thống như: Đèn kéo quân, đèn ông sư... được các nghệ nhân thiết kế rất đẹp và bắt mắt.
Điểm đặc biệt của năm nay là để giáo dục cho trẻ nhỏ về văn hoá của dân tộc gắn với những loại đồ chơi truyền thống, đồ chơi dân gian, nhiều trường mầm non, tiểu học đã phối hợp cùng hội cha mẹ học sinh tổ chức cho các em đi tham quan các gian hàng đồ chơi ở phố cổ.
Chị Hoàng Thị Thu Hương ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Năm nay, trường tiểu học nơi con mình đang học đã tổ chức cho học sinh đi tham quan các gian hàng đồ chơi Trung thu khá bài bản. Thích nhất là các cô giáo đã chú trọng cho các con chơi các đồ chơi truyền thống. Về nhà, các cháu cũng “nhắc nhở” bố mẹ không mua đồ chơi nhựa, đồ chơi có tính chất bạo lực...
Theo đánh giá của nhiều chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã thì người tiêu dùng đang dần quay lại với những đồ chơi dân gian vì nó khá thân thiện, được làm thủ công, gọn nhẹ, đa dạng và giá cả cũng hợp lý, không đắt đỏ. Giá cả các loại đồ chơi truyền thống có biên độ dao động linh hoạt, tùy từng sản phẩm và kích cỡ mà có mức giá khác nhau phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Hơn nữa, việc định hướng cho trẻ chơi các món đồ chơi truyền thống, đồ chơi dân gian cũng là cách giáo dục giá trị văn hoá cổ truyền một các nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ...
Một mùa Trung thu nữa đã về! Việc các sản phẩm đồ chơi mang tính truyền thống gắn với những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam đang chiếm ưu thế trên thị trường đồ chơi Trung thu thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Đó là kết quả của việc kế thừa, phát triển những phương pháp sản xuất cổ truyền và sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian. Và nhìn từ góc độ văn hoá, giáo dục, câu chuyện ở đây hoàn toàn không đơn thuần là việc lựa chọn đồ chơi Trung thu hay chuyện chiếc mặt nạ giấy bồi, chiếc đèn kéo quân... mà quan trọng hơn, chính là việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; sâu xa hơn là vấn đề bồi dưỡng, giáo dục văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước./.