Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp luôn sẵn sàng tuân thủ pháp luật, nhưng hiện đang gặp không ít vướng mắc do quy định pháp luật chưa thực sự rõ ràng, thống nhất.
Tại Hội nghị đối thoại "Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp", do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 12/9, TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành nhấn mạnh, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực tế, tuân thủ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và tuân thủ nghiêm pháp luật.
Nhiều ý kiến trao đổi, để xuất tại Hội nghị đối thoại "Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp". Ảnh: TH. |
"Hiện tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Chúng ta hướng tới giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế", TS Nguyễn Thanh Tú nói.
TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn giúp các doanh nghiệp hiểu không thể vì ngắn hạn mà lách luật mà phải vì lợi ích dài hạn. Bởi không tuân thủ pháp luật họ sẽ bị ảnh hưởng uy tín với xã hội, với khách hàng. Tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp sẽ vững vàng thâm nhập thị trường, lấy được niềm tin, uy tín, triển vọng, năng lực cạnh tranh của họ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần, nhưng chưa thực sự phổ biến. Thực tế có thể tạo tâm lý, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp thì "động vào đâu cũng sai, sờ vào đâu cũng sai" hay "nắm người có tóc", ví dụ quản lý an toàn thực phẩm, mới "siết" doanh nghiệp có trụ sở lớn còn thực phẩm vỉa hè chưa xử lý triệt để.
Từ thực tiễn kinh doanh, bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt nhìn nhận, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp hoạt động song doanh nghiệp rất cần có hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động.
Tuy nhiên, dẫn câu chuyện tham gia giao thông khi kẹt xe, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt ví von “nếu chỉ một mình tuân thủ đúng pháp luật, không luồn lách” thì rất có thể doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh bày tỏ các doanh nghiệp nói chung luôn sẵn sàng tuân thủ pháp luật, nhưng thực tế đang gặp không ít vướng mắc, hạn chế bởi nhiều chi phí “không tên” do quy định pháp luật chưa thực sự rõ ràng, thống nhất.
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt chia sẻ tại Hội nghị đối thoại. Ảnh: TH. |
Đồng quan điểm, nữ doanh nhân Trần Ánh Phương, Giám đốc Cty TNhH T’imex chia sẻ, cá nhân bà thấy "tuân thủ pháp luật rất khó", do còn những thủ tục hành chính rườm rà, quy định không thống nhất, thêm vào đó lại chưa được hướng dẫn rõ ràng dẫn đến lãng phí cả thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đề nghị giảm bớt thủ tục hành chính, có những văn bản hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp, có những biện pháp kiểm tra, đánh giá, xử phạt cá nhân vi phạm triệt để hơn.
Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp nhận định, Chính phủ ngày càng quan tâm doanh nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian qua. Nhưng vấn đề cần là hỗ trợ để đưa các chính sách này đi vào cuộc sống.
“Chúng ta phải có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Cán bộ phải gương mẫu, tự giác, làm đúng tinh thần trách nhiệm. Phải đồng thời cải thiện từ hai phía, cả người thực thi pháp luật và cơ quan quản lý".
Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì quan trọng phải có hành lang pháp lý thông thoáng, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.
Dẫn chứng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện các quy định đăng kiểm, hoặc phòng cháy chữa cháy, khiến hàng nghìn doanh nghiệp làm dịch vụ phải tạm đóng cửa hoặc tạm đóng cửa vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy, ông Phan Lâm cho rằng, thực tế này cần cơ quan quản lý phải tìm hiểu, nhận thấy doanh nghiệp đang vướng mắc như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, có chế tài đủ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết công việc, giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.
Ở khía cạnh khác, CEO Lê Dung - Tổng Giám đốc Cổ phần và đào tạo Nhân lực DGroup - Chủ tịch CLB CEO 1983 nhấn mạnh đến vai trò truyền thông chính sách để doanh nghiệp hiểu rõ các quy định pháp luật, giúp tiếng nói đa diện của doanh nghiệp đến được các cơ quan quản lý, góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách kịp thời hơn và hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật…/.