Tạo bước đột phá, kích cầu để du lịch Việt- Lào phát triển
(ĐCSVN) - Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên. Đây là lợi thế và động lực to lớn để hai bên nỗ lực thúc đẩy vượt qua những khó khăn về địa hình hiểm trở, cùng nhau hợp tác, liên kết phát triển du lịch biên giới, tăng cường giao lưu trao đổi khách du lịch đồng thời thu hút du khách từ nước thứ ba.
Sau khi mở cửa trở lại, du lịch Lào đã có những bứt phá ấn tượng. |
Trong những năm qua, Việt Nam và Lào đã quan tâm trú trọng đầu tư phát triển du lịch. Hai nước đã và đang triển khai rất nhiều chương trình liên kết cũng như kích cầu du lịch nhất là sau Đại dịch COVID-19.
Sau thời gian dài 2 năm đóng cửa, Việt Nam và Lào đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế ở tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ (Việt Nam từ ngày 15/3/2022, Lào từ ngày 9/5/2022). Lượng khách du lịch Lào đến Việt Nam đã tăng vọt trong nửa đầu năm 2023 với tốc độ tăng trưởng lên tới 117%, đứng thứ 3 về mức độ tăng trong số lượng khách du lịch toàn cầu đến Việt Nam và chỉ xếp sau Campuchia (338%) và Ấn Độ (236%).
Các điểm đến phổ biến nhất của du khách nước ngoài tại Việt Nam cho đến tháng 6 là thành phố biển miền Trung Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, và “Đảo Ngọc thiên đường” Phú Quốc.
Việc khách du lịch quốc tế tăng đột biến là dấu hiệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh việc du lịch, nhiều người Lào và người Campuchia cũng đến Việt Nam để chữa bệnh.
Ở chiều ngược lại, trong 4 tháng đầu năm 2023, Lào đã đón hơn 1 triệu lượt du khách nước ngoài, mức tăng ấn tượng so với 1,3 triệu lượt du khách mà nước này đạt được trong cả năm 2022.
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách Lào. |
Trong đó, du khách đến từ Việt Nam đứng thứ 2 với 224.461 lượt, chỉ đứng sau số du khách đến từ Thái Lan.
Riêng tỉnh Luang Prabang, di sản thế giới và là địa điểm du lịch được yêu thích nhất tại Lào, chỉ trong năm tháng đầu năm 2023 đã thu hút được gần 400.000 lượt khách du lịch quốc tế.
Mặc dù vẫn còn hạn chế như cơ sở hạ tầng đường bộ khi phải di chuyển mất nhiều thời gian, hạ tầng đường không chỉ đón được các máy bay nhỏ; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và còn yếu; thủ tục, quy định đăng kí đi du lịch vào vùng biên giới và thông quan du lịch xe tự lái; hạ tầng kết nối đến cửa khẩu và hạ tầng tại cửa khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách qua cửa khẩu đường bộ còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức…
Nhằm thúc đẩy ngành du lịch của Lào, tạo thêm việc làm cho xã hội và tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, Lào đã chọn năm 2024 là Năm Du lịch quốc gia. Hiện các địa điểm du lịch đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia đã được cải tạo, nâng cấp, lắp đặt biển chỉ dẫn theo các tuyến đường kết nối giữa các vùng, kết nối với các nước láng giềng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã cấp chứng nhận về kỹ thuật và an toàn cho hoạt động du lịch mạo hiểm như: leo núi, khinh khí cầu, máy bay nhỏ và chèo thuyền…
Từ đầu năm, Việt Nam cũng đã triển khai một loạt hoạt động kích cầu du lịch gắn với hoạt động quan trọng của cả nước cũng như từng địa phương. Hy vọng đây sẽ là đòn bẩy, là hoạt động kích cầu quan trọng để du lịch Việt Nam, Lào bứt phá trong những năm tới.