Tăng quyền năng cho trẻ em gái về các quyết định liên quan đến bản thân
(ĐCSVN) - Nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi cho lứa tuổi học sinh chính là cách tăng quyền năng cho trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ em vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến bản thân.
Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là địa phương có đông người Pà Thẻn sinh sống. Người Pà Thẻn ở Lâm Bình định cư tập trung ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang.
Những năm trước, người Pà Thẻn ở Thượng Minh vẫn duy trì một số tập tục lạc hậu, trong đó có việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cấp uỷ, chính quyền xã xác định, do địa bàn ở nơi vùng sâu, vùng xa, nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên muốn xoá bỏ tập tục lạc hậu này phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích.
Qua phân tích, độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến 17 tuổi đối với nữ; từ 16 đến 19 tuổi đối với nam. Đây là lứa tuổi nam, nữ đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, công tác tuyên truyền trong trường học và thông qua hoạt động đoàn ở thôn bản là rất cần thiết và sẽ là giải pháp hữu hiệu.
Anh Lý Quang Hà, Phó Bí thư Đoàn xã Hồng Quang cho biết, trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, các buổi họp thôn, Đoàn Thanh niên đều tranh thủ tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đoàn viên thanh niên.
Bên cạnh đó, bằng nhiều kênh khác nhau, tổ chức Đoàn kịp thời nắm bắt thông tin về những đoàn viên chưa đủ tuổi nhưng đã có ý định kết hôn để vận động từ bỏ ý định, động viên bạn trẻ cố gắng học xong THPT, đi làm công ty hoặc xuất khẩu lao động để cuộc sống hôn nhân sau này bớt phần khó khăn.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS xã Hồng Quang, vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Liên Đội Thiếu niên Tiền phong được coi trọng và phát huy. Các tổ chức này đứng ra tổ chức nhiều hoạt động với mục đích trang bị kiến thức để các em học sinh hiểu rõ tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhận thức rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật, là một tập tục lạc hậu cần phải xoá bỏ.
Một buổi sinh hoạt lớp với chủ đề giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của cô, trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS xã Hồng Quang |
Có mặt tại một buổi sinh hoạt cuối tuần của thầy và trò lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS xã Hồng Quang, chúng tôi được chứng kiến cô giáo Phùng Thị Thanh đang cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất cho các em học sinh thế nào là tảo hôn, thế nào là hôn nhân cận huyết thống. Cô giáo còn gợi ý cho các em liên hệ xung quanh khu vực mình sinh sống có trường hợp nào tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống hay không.
Sau khi thảo luận cởi mở với các em, cô Thanh hướng dẫn học sinh khi trở về nhà, nếu biết người thân trong gia đình hoặc hàng xóm xung quanh có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì tuyên truyền, giải thích hoặc nhờ người lớn tuyên truyền, giải thích nhằm ngăn ngừa tình trạng này.
Trang bị cho học sinh những kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, những hiểu biết về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giúp cho các em vừa chủ động bảo vệ bản thân, vừa trở thành những hạt nhân trong công tác tuyên truyền tại gia đình, thôn bản, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này là cách làm hay của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc, bán trú Tiểu học - THCS xã Hồng Quang.
Em Đặng Thị Nhung - học sinh Trường Phổ thông dân tộc, bán trú Tiểu học THCS xã Hồng Quang cho biết, ngoài được nghe các thầy, cô giáo tuyên truyền thế nào là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các em còn được tham gia các hội thi tìm hiểu về sức khoẻ vị thành niên, sinh hoạt trong các nhóm kín… Các hoạt động này do chính học sinh điều hành nên giúp các em hiểu rõ tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm và rèn luyện sự tự tin để tuyên truyền lại cho người thân trong gia đình, dòng họ…
Ông Phù Đức Lâm - Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho rằng, sự vào cuộc của nhà trường đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của xã là đã xoá bỏ được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Không những thế, thành tích này còn có khả năng bền vững cao do tạo ra được sự thay đổi trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
Sau khi đẩy lùi được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong dân tộc Pà Thẻn, Đảng bộ xã Hồng Quang đã có nghị quyết đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn có đông đồng bào dân tộc Tày, Dao.
Xóa bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hành trình lâu dài, cần sự tham gia của các cấp, các ngành, các thành phần. Trong đó, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi cho lứa tuổi học sinh chính là cách tăng quyền năng cho trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ em dân tộc thiểu số (cả nam và nữ) vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến bản thân, để các em có thể tự tin, độc lập, tự chủ khi tham gia vào các hoạt động ở gia đình và cộng đồng./.