Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng lương - Cách “tiếp sức” thiết thực nhất cho người lao động

Thứ Ba, 05/04/2022 14:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Công đoàn kiên định với đề xuất tăng lương từ 1/7/2022 còn VCCI cho rằng nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì sớm nhất nên vào đầu năm 2023. Theo thông lệ, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Tăng lương - Cách “tiếp sức” thiết thực nhất cho người lao động.  

Tại phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra mới đây, đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 cho người lao động tại doanh nghiệp.

Phát biểu phiên họp, đa số các thành viên Hội đồng thuộc cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia độc lập tương đối đồng thuận với đề xuất tăng lương từ 1/7/2022 mà phía đại diện cho người lao động đề xuất tại phiên họp. Các thành viên nhấn mạnh vì lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, mang ý nghĩa bảo vệ người lao động yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế.

Hơn nữa theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương.

Mặt khác, năm 2021, do khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã không được điều chỉnh tăng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải thích: GDP quý I năm nay đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn và đây là lúc cần chia sẻ với người lao động sau hai năm quay quắt trong dịch. Tiền lương không đủ sống buộc họ phải chấp nhận tăng ca để có thêm tiền trang trải. "Doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng. Cần tăng lương sớm, tránh tình trạng dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp" – ông Quảng nói.

Theo thống kê của tổ chức Công đoàn, lương gần hai năm không điều chỉnh tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động. Khi không thể thương lượng thì giải pháp cuối cùng của người lao động là ngừng việc tập thể. Thống kê trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tiền lương, chế độ phúc lợi cho lao động.

Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động lại đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bởi VCCI giải thích với doanh nghiệp, đầu năm có một số xáo trộn như tuyển mới công nhân để bù cho số đã nghỉ. Nếu điều chỉnh quá gấp gáp (tháng 7 tới) sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Hơn nữa, dư âm của các đợt dịch trước có thể kéo dài hết năm, do đó doanh nghiệp cần thêm thời gian phục hồi. Không phải doanh nghiệp có đơn hàng thì sản xuất ổn định mà thực ra họ đã tốn kém chi phí sau hai năm vừa sản xuất vừa chống dịch.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI giải thích, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không tác động đến toàn bộ lao động, chủ yếu ảnh hưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm chịu tiêu cực nhất từ đại dịch và khoảng 10 triệu người ở khu vực quan hệ lao động không bền vững. Nhiều doanh nghiệp đang trả cao hơn mức chung và không phải điều chỉnh lần nữa theo quy định của nhà nước. Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng chưa chắc tổng thu nhập thực nhận của người lao động sẽ cao lên.

Có thể thấy mỗi bên là đại diện cho người lao động và bên đại diện cho người sử dụng lao động đều có lý của mình. Điều này đã được ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội – người từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nhấn mạnh: Đàm phán tăng lương chưa bao giờ dễ dàng bởi mỗi bên đều có lợi ích riêng, nhất là sau những tổn thất từ đại dịch.

Nhưng, nếu đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì cũng rất cần chia sẻ khó khăn cho người lao động. Bởi cũng như doanh nghiệp, người lao động đã phải chống chọi với đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm dịch bùng phát. Họ đã phải chật vật để tồn tại, để trụ lại với công việc và bị ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Thậm chí nhiều lao động đã phải nghỉ việc, kể cả bỏ việc vì không thể đương đầu nổi với khó khăn kéo dài. Thậm chí lúc dịch bùng phát dữ dội nhất, nhiều lao động còn phải bỏ phố về quê, kiệt quệ vì không có thu nhập…

Nay, với chính sách mở cửa sống chung với dịch COVID-19, nhiều lao động dù đã quay lại thị trường lao động nhưng vẫn phải mất một quá trình lao động tích cực lâu dài mới có thể cải thiện cuộc sống như trước đây. Đã vậy, gần đây nhiều mặt hàng lại lên giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… Do đó, nhiều người lao động rất mong chờ được tăng lương trong thời gian tới.

Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, không nên tiếp tục trì hoãn tăng lương cho người lao động. Đó cũng chính là cách “tiếp sức” thiết thực nhất cho người lao động không chỉ trước mắt mà còn mang tính lâu dài, ổn định./.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN