Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định mới về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ

Thứ Năm, 28/11/2024 22:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ, áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/4/2025 và thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016.

 (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Theo Thông tư, đề tài cấp bộ được thực hiện để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng tối thiểu hai yêu cầu: Có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước hoặc được xuất bản thành sách, chương sách chuyển khảo, sách tham khảo. Có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ hoặc có kết quả nghiên cứu là tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác.

Đề tài cấp bộ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm 1 chủ nhiệm, 1 thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính, thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.

Thời gian thực hiện để tài cấp bộ không quá 24 tháng (chưa tính thời gian gia hạn thực hiện đề tài nếu có). Trường hợp đặc biệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng.

Nguồn kinh phí thực hiện đề tài cấp bộ gồm: Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kinh phí hợp pháp khác.

Đề tài cấp bộ được xác định theo các tiêu chí sau: Tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước, phân tích được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài; tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò trong việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đơn vị; tính mới và mức độ không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công; tên, định hướng mục tiêu và nội dung nghiên cứu đảm bảo tính tương thích, khoa học, rõ ràng, khả thi; hiệu quả và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài; kinh phí đề xuất đề tài phù hợp với mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/4/2025 và thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016. Các đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ đã được phê duyệt thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT thì tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc. Các đề tài được phê duyệt để thực hiện từ năm 2026 thực hiện theo quy định tại Thông tư này./.

 

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN