Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường giám sát phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng tại địa phương

Thứ Ba, 05/12/2023 09:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhằm triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tăng cường giám sát hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại các quận huyện, trường học để phát hiện, xử lý ổ dịch đúng quy định và đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ngọc Cẩm 
Thành phố Hồ Chí Minh: Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam nói chung, cùng với đó số lượng ca bệnh điều trị từ các địa phương khác chuyển về Thành phố ngày càng nhiều, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành khác nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.

Theo số liệu thống kê của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 44.467 ca, chiếm 35,7%. Như vậy, bệnh nhi tay chân miệng từ các tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh điều trị chiếm 64,3%.

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, diễn biến dịch bệnh tay chân miệng của khu vực miền Nam có sự khác biệt so với các năm trước đây. Các năm trước, dịch bệnh tay chân miệng sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trong năm 2023, số lượng ca bệnh đạt đỉnh vào tuần 23 đến 31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41 đến 43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong hai tuần 46 và 47, bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực miền Nam. Cụ thể, trong tuần 47 (từ ngày 20/11 - 26/11), số trường hợp mắc bệnh ở Thành phố là 1.021, giảm 40,5% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh giảm, số nhập viện theo đó cũng giảm theo. Mặc dù giảm số lượng nhưng số ca nhập viện có địa chỉ ở các tỉnh thành khác vẫn duy trì ở mức gần 70%. Trong đó, riêng các ca bệnh nặng chuyển từ tỉnh, thành khác đến chiếm gần 85%.

Nhận định dịch có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định, Sở Y tế Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch gồm tăng cường giám sát hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại các quận huyện, trường học để phát hiện, xử lý ổ dịch đúng quy định và đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch. Về công tác điều trị, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều trị cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ phòng khám đến các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện đa khoa có khoa nhi trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi ở Thành phố và các tỉnh thành khác chuyển đến.

Hà Nội: Tăng cường giám sát phòng, chống sốt xuất huyết

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 24/11 đến ngày 1/12, toàn thành phố ghi nhận 1.715 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 522 ca. Tuần qua, thành phố ghi nhận 33 ổ dịch tại 13 quận, huyện, thị xã, giảm 16 ổ dịch so với tuần trước đó.

Các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần gồm: Hà Đông (180 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Oai (161 ca), Phú Xuyên (134 ca), Hoàng Mai (109 ca).

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 37.441 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương có nhiều bệnh nhân gồm: Hà Đông, Thanh Oai, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Đống Đa, Thanh Trì. Hà Nội ghi nhận 1.923 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.

Về kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành, năm 2023, Hà Nội ghi nhận 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 1 mẫu dương tính DEN3.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, qua giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu vực có ổ dịch; tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch bùng phát rộng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Ngọc Cẩm 
Bắc Giang: Giảm nhanh tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 

Tại xã miền núi Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, việc tổ chức bổ sung vitamin A được thực hiện bài bản, đầy đủ trong nhiều năm qua.

Bác sĩ Dương Văn Lực, Trạm trưởng Trạm y tế xã chia sẻ: Ý thức được những khó khăn của địa phương với đặc thù là xã miền núi, có 9 dân tộc anh em sinh sống, kinh tế còn chậm phát triển, kinh phí đầu tư cho y tế còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,38%. Tỷ lệ dân cư sống rải rác, không đồng đều, có chỗ cách xa trung tâm xã tới 7km, được xá đi lại còn xa xôi, không thuận tiện.

Bên cạnh đó, một đặc thù của địa phương là hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều đi làm công ty từ sáng sớm đến tối khuya mới về hoặc đi làm ăn xa gửi con cho ông bà chăm sóc nên hầu hết ông bà là người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ hàng ngày.

Vì vậy, để thuận lợi cho người dân đưa trẻ đi uống vitamin A an toàn và đầy đủ, Tram y tế xã đã triển khai 5 điểm uống trên toàn xã. Tại các điểm uống Vitamin A, Trạm bố trí đủ nhân lực (gồm 5 cán bộ trong đó có 2 cán bộ y tế được huấn luyện về kỹ thuật cân đo trẻ, cho trẻ uống và sử dụng Vitamin A an toàn, hợp lý) tại mỗi điểm uống.

Để đảm bảo ít nhất 98% trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi được uống Vitamin A đủ liều, an toàn, trước ngày tổ chức uống vitam A khoảng hơn một tuần, Trạm y tế xã đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi (như thiếu Vitamin A, thiếu sắt, thiếu Iốt).

Bên cạnh tổ chức đợt truyền thông, giáo dục kiến thức về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ tới mọi gia đình có con trong độ tuổi từ 6-59 tháng; phối hợp tổ chức thực hành dinh dưỡng cho trẻ như tổ chức bữa ăn dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Trạm y tế xã đẩy mạnh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương như: Đài phát thanh, trang Website UBND xã, loa truyền thanh và nhà văn hóa các thôn, băng rôn, tờ tranh, áp phích. Đồng thời phát giấy mời đến từng nhà có trẻ trong độ tuổi thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức uống Vitamin…/.

 

KN (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN