Tăng cường giám sát dịch bệnh, tái đàn chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh
(ĐCSVN) – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc vừa đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn việc tái đàn lợn.
Đây cũng là tinh thần chính của công văn số 1921/SNN&PTNT-CNTY về việc tái đàn chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh của Sở sau tác động của dịch tả lợn châu Phi thời gian qua.
Theo đó, Sở đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung: Rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô lớn không nằm trong khu dân cư, đảm bảo thực hiện được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) theo nội dung hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT tại văn bản số 1738/SNN&PTNT-CNTY ngày 02/10/2019; văn bản số 4249/BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP và phù hợp với tình hình thực tế chăn nuôi, phòng chống dịch của địa phương tại những xã không bị dịch bệnh DTLCP, những xã bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái dịch thì có thể tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền địa phương để chính quyền địa phương cử cán bộ chuyên môn tổng hợp, theo dõi, giám sát thực hiện.
Trong lựa chọn con giống, lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở được giám sát dịch bệnh định kỳ theo quy định hoặc sử dụng nguồn giống sản xuất tại cơ sở. Đối với lợn giống từ các tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, phải có xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP. Lợn mới mua về phải nuôi nhốt riêng từ 10-15 ngày để theo dõi. Đồng thời, hạn chế tái đàn ở các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư, không đủ điều kiện để áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH.
Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu thực hiện đảm bảo ATSH để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh và tái đàn lợn; sử dụng các chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống hoặc phun sương trong chuồng nuôi để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn và tăng cường thực hiện quy trình chăn nuôi theo VietGAP để tạo nguồn sản phẩm đáp ứng an toàn thực phẩm, chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ sản xuất, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.
Tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Chăn nuôi (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) tới các hộ chăn nuôi, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn theo Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Chăn nuôi; trong đó tập trung nhấn mạnh đến nội dung quy định tại Điều 12 của Luật về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi; Khoản 2, Điều 83 quy định về hoạt động của cơ sở chăn nuôi. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, UBND các huyện, thành phố tổng hợp kết quả thực hiện tái đàn lợn và công tác phòng, chống bệnh DTLCP gửi về Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các phòng chuyên môn, trạm trực thuộc cử cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn, nhân viên thú y cấp xã phối hợp với phòng chuyên môn của UBND cấp huyện và UBND cấp xã kiểm tra, rà soát các cơ sở chăn nuôi lợn đủ điều kiện về ATSH để thực hiện tái đàn; tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh về nội dung thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn ATSH để phòng chống bệnh DTLCP có hiệu quả.
Ngoài ra, Sở cũng giao các đơn vị: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống vật nuôi, Trung tâm Thông tin Nông nghiệp & phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về ATSH trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thông tin giới thiệu các đơn vị cung ứng giống có uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh để người chăn nuôi trong tỉnh biết, lựa chọn mua con giống tái đàn sản xuất.