Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
(ĐCSVN)- UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chất lượng chuyên môn trong việc thẩm định cấp phép thăm dò, phê duyệt, xác nhận trữ lượng khoáng sản theo kết quả thăm dò… để phục vụ công tác cấp phép, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, xác định các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải thực hiện với Nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, Luật đất đai, Luật môi trường và các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động khoáng sản; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời, đảm bảo kỷ cương pháp luật trong thời gian xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà nước về khoáng sản, ngày 17/9, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 1642/UBND-KTN về việc Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành chức năng và các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 02/4/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 1695/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Chỉ thị số 50-CT/BCSĐ ngày 03/02/2023 của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý mỏ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Văn bản số 304/UBND-KTN ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý mỏ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tiếp tục thực hiện nội dung tại các văn bản: số 3444/BTNMT-KSVN ngày 16/5/2023; số 8797/BTNMT-KSVN ngày 16/10/2023; số 2930/BTNMT-KSVN ngày 06/11/2023 và số 2018/BTNMT-KSVN ngày 01/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chất lượng chuyên môn trong việc thẩm định cấp phép thăm dò, phê duyệt, xác nhận trữ lượng khoáng sản theo kết quả thăm dò nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng tài nguyên đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ công tác cấp phép, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, xác định các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải thực hiện với Nhà nước.
Cục Thuế tỉnh tăng cường kiểm tra, đối chiếu khối lượng khoáng sản kê khai, nộp thuế, phí của các đơn vị khai thác, đảm bảo thu đúng, đủ. Kiểm tra sổ sách, chứng từ, số liệu trạm cân, camera giám sát và các tài liệu liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế. Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính, tăng cường quản lý hóa đơn thuế, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn, xử lý nghiêm việc hợp thức hóa chứng từ, nhất là trong kinh doanh cát, sỏi, đất san lấp, đá xây dựng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn có liên liên quan, rà soát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Dự án đầu tư, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tuyển luyện quặng nhằm gia tăng giá trị khoáng sản đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án đã cấp nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng.
Tổ công tác liên ngành được thành lập theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý (đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hằng năm và mục đích tiêu thụ, sử dụng và việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,…). Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường nắm bắt, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các điểm nóng nhằm không để tái diễn trở lại các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông, đất san lấp, vàng sa khoáng, đá làm vật liệu xây dựng thông thường và các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính cấp tỉnh.
Các Sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về khoáng sản, pháp luật của doanh nghiệp nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản; đặc biệt là hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép theo quy định tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự như: khai thác vượt công suất, vượt trữ lượng, vượt ngoài ranh giới giấy phép khai thác khoáng sản…
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ tại các khu vực hoạt động khoáng sản và việc chấp hành trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để đảm bảo các khu vực khai thác khoáng sản tuân thủ theo quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, đánh giá, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.