Kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030
(ĐCSVN)- UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch số 3606/KH-UBND cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
Nạo vét kênh mương nội đồng để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Lâm Thao |
Kế hoạch yêu cầu hệ thống công trình thủy lợi sau khi được cải tạo, nâng cấp sẽ phát huy hiệu quả, duy trì khả năng vận hành khai thác, tăng thời gian sử dụng công trình; đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh;
Các địa phương, đơn vị liên quan huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho phù hợp với tình hình thực tế;
Nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng quản lý, bảo vệ hành lang công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn công trình; trong đó, ưu tiên công trình hiện có cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung và các ngành sản xuất trọng yếu khác.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 2.806 công trình thủy lợi; trong đó có 1.541 hồ, đập dâng; 311 trạm bơm; 254 cống qua đê có máy đóng mở; 700 công trình tạm.
Hiện nay, có 105 công trình bị hư hỏng, cụ thể: 37 trạm bơm ven sông đã bị treo giỏ, thường xuyên phải hạ thấp bệ máy và nối dài ống hút dẫn đến năng lực hoạt động không còn hiệu quả, không đảm bảo cho công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; 04 trạm bơm hệ thống bể hút, bể xả, đường ống hút, xả bị hư hỏng xuống cấp nặng, hoạt động kém hiệu quả. Có 63 công trình đập, hồ chứa (bị thấm mang cống, hư hỏng cống lấy nước, thấm qua thân đập, vai đập; sạt trượt mái đập, nứt bê tông dọc mặt đập, sụt, lún mặt đập, hư hỏng tràn xả lũ; 01 công trình không có hệ thống dẫn nước phục vụ sản xuất.
UBND tỉnh Phú Thọ đề ra các nhiêm vụ, giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường phổ biến, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác đầu tư xây dựng; quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo theo quy định.
Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi; kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp với mức độ hư hỏng của từng công trình. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi, bảo đảm hiệu quả, duy trì chất lượng khai thác và sử dụng công trình. Quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch để cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để kịp thời phát hiện và sửa chữa các hư hỏng phát sinh của các công trình thủy lợi.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi; đặc biệt là việc phát hiện, xử lý các hành vi làm hư hỏng, mất an toàn công trình thủy lợi.
Để việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phù hợp trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, việc đầu tư được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp đối với 13 công trình và cụm công trình đầu mối trạm bơm ven sông Thao, sông Lô, sông Đà và sông Chảy để khắc phục tình trạng mực nước sông xuống thấp nhằm giải quyết tình trạng treo giỏ của các trạm bơm hiện nay; Cải tạo, nâng cấp hệ thống đường ống dẫn nước hồ Củ, huyện Thanh Sơn…
Cải tạo, nâng cấp theo thứ tự ưu tiên đối với 63 công trình hồ, đập chủ yếu tập trung xử lý các hạng mục gia cố thân đập; mặt và mái đập; sửa chữa cống tưới, tràn xả lũ, lắp đặt đường ống dẫn nước nhằm phát huy hiệu quả trong việc tích nước phục vụ sản xuất của công trình; đồng thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão./.