Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng cường công tác quản lý an toàn thang máy

Thứ Tư, 27/10/2021 14:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Có hiệu lực từ ngày 15/11/2021, Thông tư 12/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kèm theo văn bản QTKĐ: 02-2021/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực hơn nữa gia cố sự an toàn cho thang máy cũng như người sử dụng.

Trong xã hội hiện đại, thang máy là một phần không thể thiếu, đặc biệt đối với các tòa nhà cao tầng. Theo một số nghiên cứu, với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mức độ an toàn tương đương với máy bay.

Tăng cường công tác quản lý

Với sự phát triển mạnh của công nghiệp điện tử, các tính năng thông minh và an toàn đã được tích hợp nhằm nâng cao sự tiện nghi, thoải mái cho thang máy. Tuy nhiên, xác suất mất an toàn, tai nạn thang máy, thậm chí dẫn tới tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra như một số vụ việc ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh... Điều này phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng thang máy, đơn vị kiểm định, quy trình bảo trì bảo dưỡng và thói quen, kỹ năng vận hành và sử dụng thang của người sử dụng.

Gần đây nhất, vụ việc một cô gái trẻ bị rơi từ tầng 7 xuống hầm thang máy tòa nhà cao tầng trên phố Kim Mã, quận Ba Đình dẫn đến tử vong đang thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, N.H.A. (SN 2000, trú tại phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cùng chị N.Q.N. (SN 1998, ở phường Kim Mã) sử dụng thang máy từ tầng 8 xuống thì gặp sự cố tại tầng 7. Hai người bị mắc kẹt bên trong. Lúc này, 2 cô gái đã gọi cứu hộ thang máy và được bảo vệ tòa nhà hỗ trợ mở cửa thang máy.

Trong lúc N.H.A. trèo từ tầng 7 ra bất ngờ bị rơi vào hầm thang máy xuống tầng một. Nạn nhân ngay sau đó được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu nhưng đã tử vong.

Đại diện Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với sự tăng trưởng kinh tế kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu lắp đặt thang máy, thang cuốn cho các khu chung cư, văn phòng cao tăng cao. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó khoảng 5.000 sản phẩm nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam.

Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Tuy nhiên, số lượng công ty có tên tuổi và chuyên nghiệp chỉ có vài trăm, chủ yếu là các đơn vị nhập khẩu. Các doanh nghiệp nội, doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm một phần nhỏ.

 Ngày 29/11/2020, thang máy ở tòa nhà B10A Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) chứa hơn 10 người đang chạy từ tầng 11 xuống đến tầng 5 bất ngờ bị rơi tự do xuống mặt đất làm 1 người gãy chân (Ảnh: Nhị Tiến)

Về mặt quản lý nhà nước, hiện đang áp dụng các văn bản QTKĐ: 21-2016/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy điện, QTKĐ: 22-2016/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang thủy lực và QTKĐ: 24-2016/BLĐTBXH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy điện không có phòng máy ban hành kèm theo Thông tư 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế là hoạt động liên quan đến lĩnh vực thang máy thời gian qua còn khá rời rạc, chưa có sự thống nhất, liên kết để đảm bảo tính liên thông. Cùng với nhu cầu lắp đặt thang máy là nhiều bất cập như một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu thang máy không đảm bảo chất lượng, chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn; tổ chức, cá nhân sở hữu vận hành thang máy chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thang máy; người lao động lắp đặt bảo trì, phụ trách vận hành thang máy chưa được đào tạo về an toàn trong quá trình làm việc, tiềm ần nguy cơ gây sự cố tai nạn nghiêm trọng.

Từ thực tế đó, Thông tư 12/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với việc ra đời Hiệp hội Thang máy Việt Nam tháng 9/2020 là hết sức cần thiết, thực sự là cánh tay nối dài, giúp cơ quan quản lý Nhà nước từ việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy chuẩn các sản phẩm đến chuyển giao công nghệ tiên tiến; là cầu nối giữa các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo trì... với các tổ chức hoạt động kiểm định liên quan đến thang máy, thang cuốn.

An toàn mùa dịch

Với thang máy gia đình, tần suất sử dụng, đối tượng sử dụng và việc giữ gìn vệ sinh cũng được cơ bản kiểm soát. Còn đối với các tòa nhà chung cư, tòa văn phòng, trong mùa dịch COVID-19, người ta hạn chế tối đa trực tiếp xúc bảng điều khiển cũng bởi nỗi sợ thang máy là môi trường trung gian truyền nhiễm bệnh.

Một cái hắt hơi, thậm chí chỉ cần một cuộc nói chuyện cũng có thể khiến virus bám vào bất cứ bề mặt nào trong thang, và cứ thế, qua việc tiếp xúc thường xuyên thì chẳng bao lâu nó sẽ lây lan theo cấp số nhân nếu không vệ sinh sát khuẩn sạch sẽ.

Dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới quá trình khai thác, vận hành hệ thống thang máy, một số nhà cung cấp dịch vụ thang máy tại Việt Nam đã ứng dụng một số công nghệ diệt khuẩn mới như hệ thống khử trùng thang máy CARe được nghiên cứu và phát triển bởi những kỹ sư hàng đầu châu Âu của Tập đoàn IGV (Italia) bao gồm bộ lọc HEPA kết hợp với màng than hoạt tính và đèn LED UVGI.

Ngoài ra, quạt thông gió cabin sử dụng công nghệ Plasmacluster để diệt khuẩn, giúp ngăn chặn virus trong không khí, các chất dị ứng và mùi gây ra do nấm mốc trong cabin thang máy.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thang máy cũng tiếp tục khuyến cáo chúng ta nên đi nhẹ nhàng khi bước vào thang, không nên dẫm mạnh chân vào thang máy, khi đi vào thang hay bước ra ngoài thì nên chờ cửa mở rộng không nên cố đi vào khi thang đóng vì rất dễ bị kẹt.

Đồng thời, các nhà cung cấp thiết bị có tên tuổi trong và ngoài nước như Mitsubishi, Hitachi, Otis, Thyssenkrupp, Schindler, Hyundai hay Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long (TLE), đơn vị sở hữu và trực tiếp vận hành thang máy cần thường xuyên phối hợp theo dõi, giám sát hệ thống an toàn (với 10 bộ phận, chi tiết cơ bản) cũng như tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, và cập nhật kỹ năng xử lý khi thang máy gặp sự cố, đặc biệt là đội ngũ nhân viên Ban quản lý tòa nhà sẽ giúp giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Sự thuận tiện của thang máy thì đã rõ, thị trường phong phú mẫu mã, đa dạng giá cả, nhưng quan trọng nhất vẫn là hệ số, chỉ số an toàn của nó luôn phải được đặt lên hàng đầu, hơn tiện nghi bên trong./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN