Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tân Quang - Xã nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Sáu, 25/03/2022 14:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, phát huy lợi thế của địa phương, sau hơn 6 năm phấn đấu từ xã nông thôn mới, Tân Quang đã đạt được chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là xã đầu tiên của huyện Văn Lâm đạt được danh hiệu này.

Khu trung tâm xã Tân Quang
Sau khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Quang đã huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện. Ban chỉ đạo nông thôn mới của xã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các tiểu ban ở các thôn thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã. Xác định rõ công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của người dân cùng với Đảng ủy, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai như thông qua các cuộc họp của Đảng ủy, HĐND, UBND, các cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể xã, của thôn đều tích cực triển khai, lồng ghép. Với khẩu hiệu thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…đã được các tầng lớp nhân dân Tân Quang hưởng ứng. Để diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu của xã tuyến đầu huyện đáp ứng các tiêu chí, từ khi đạt nông thôn mới nâng cao, Tân Quang đã đầu tư 17,2 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp đường trục xã từ UBND đến thôn Tăng Bảo và 3 đoạn đường vè các thôn Ngọc Đà, Ngọc Loan. Đến nay, hơn 3,6 km đường trục xã rộng từ 8-12m đã được rải nhựa Atphan và bê tông, nhiều đoạn có hàng cây xanh, biển báo giao thông trông thật đẹp mắt. Hơn 36 km đường trục thôn, các ngõ xóm đều được bê tông xi măng đạt chuẩn. Có được kết quả đó là sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp. Tổng nguồn kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới 6 năm qua ở Tân Quang là hơn 125 tỷ đồng.

Giao thông thuận lợi và ở địa bàn gần thủ đô nên người dân Tân Quang rất năng động trong phát triển kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện dự án khu đô thị Đại An, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã giảm hơn 130 ha, diện tích đất còn lại là hơn 41 ha, nông dân Tân Quang thực hiện đề án phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu và rau màu các loại. Nắm bắt được nhu cầu chơi hoa của người dân thủ đô và các tỉnh, thành, người dân thôn Ngọc Đà đã trồng hoa đào cảnh, đào thế…Mấy năm qua, thôn đã thành lập tổ hoa đào nhằm giúp nhau về kỹ thuật chăm sóc cây, thông tin cho nhau thị trường…Ông Phùng Viết Đạt, Tổ trưởng, tổ hoa đào cho hay: “Tổ hoa đào chúng tôi có hơn 120 thành viên, cứ 6 tháng họp 1 lần trao đổi kinh nghiệm về thời tiết để chăm sóc cây được tốt và thời gian tuốt lá để hoa đào nở đúng dịp tết, cách làm đào thế được đẹp để cho thuê được giá cao. Nhờ đó, nhiều hộ đạt doanh thu cao sau tháng tết, điển hình như gia đình ông Phùng Viết Hưng, cùng với diện tích của gia đình ông đã thuê thêm diện tích ruộng để trồng 400 cây đào thế. Từ kinh nghiệm nhiều năm làm cây đào thế đẹp và quảng cáo trên nhiều loại hình, nên năm nay ông cho thuê và bán được giá cao ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước,  có cây cho thuê được 45 triệu đồng trong dịp tết, tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Nhiều hộ khác doanh thu đạt 300-500 triệu đồng. Chính vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp ở thôn tôi thu nhập đạt khoảng 530 triệu đồng/ha/năm”.

Nhà văn hóa thôn cũng là nơi tuyên truyền phòng chống dịch

Nhằm động viên khuyến khích người dân thi đua sản xuất, các đoàn thể ở Tân Quang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp, Quỹ tín dụng cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất. Hàng năm, các hộ nông dân Tân Quang được vay vốn để phát triển sản xuất. Hiện nay, các hộ đang dư nợ hơn 25 tỷ đồng. Chính vì vậy các hộ không chỉ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân Tân Quang còn rất năng động trong phát triển ngành nghề, dịch vụ. Đồng chí Đỗ Thị Lệ, Trưởng thôn Nghĩa Trai, cho biết: “Thôn có nghề trồng và chế biến dược liệu, để sản phẩm làng nghề tiêu thụ được nhiều hơn, được sự định hướng của các cấp về thành lập Hợp tác xã, thôn có HTX Hoa Thiên Phú với 16 thành viên, chuyên sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm dược liệu. Năm 2020, HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP “Hoa cúc Thiên Phú” đạt 3 sao, từ đó các sản phẩm khác cũng tiêu thụ được nhiều hơn. Hàng tháng, làng nghề tiêu thụ được hơn 70 tấn dược liệu các loại. Năm 2020 doanh thu đạt 6,4 tỷ đồng, năm 2021 đạt 7 tỷ đồng.”

Nông dân Tân Quang còn có các nghề may cặp da, túi da ở thôn Ngọc Loan, giò, chả, bì bóng, nem chua ở thôn Bình Lương, sản xuất nhựa, dép nhựa ở thôn Ngọc Đà, Chí Trung, kinh doanh dịch vụ vận tải, nhà hàng…Hàng năm, các hộ hăng hái đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Đồng chí Nguyễn Thanh Thúy, Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã tươi cười nói: “Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Tân Quang những năm qua luôn khí thế. Các hộ đã phát huy tốt thế mạnh của mình đồng thời luôn đoàn kết giúp nhau cùng làm giàu. 6 năm qua, ở 8/8 thôn đều có các hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều lĩnh vực từ trồng trọt đến kinh doanh ngành nghề, dịch vụ. Kết quả, 6 năm qua xã có 92 hộ doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, 445 hộ đạt doanh thu 500 triệu -1 tỷ, 563 hộ doanh thu đạt 300-500 triệu; có 16 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 192 hộ đạt Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh…”

Với lợi thế là xã có Quốc lộ 5A và đường liên tỉnh 179 đi qua, Tân Quang đã sớm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, với diện tích 200 ha được quy hoạch có hạ tầng thu hút được các nhà đầu tư. Sau 20 năm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, vừa đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp, đến nay cụm công nghiệp Tân Quang có hơn 100 công ty vào đầu tư. Các công ty đã tạo việc làm cho hơn 9.000 lao động, từ đó dịch vụ nhà trọ, dịch vụ ăn uống…phát triển. Cả xã có hơn 1.300 phòng trọ, 630 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhiều dịch vụ ăn uống chất lượng… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tổng hợp từ các nguồn thu nhập người dân Tân Quang tăng từ 77 triệu đồng/người năm 2020 lên 80 triệu đồng/người năm 2021, cao gấp 1,7 lần so với năm 2015.

Cùng với phát triển kinh tế, Tân Quang luôn quan tâm đến thiết chế văn hóa xã hội từ xã đến các thôn. Xã xây dựng nhà văn hóa với diện tích hơn 1580 m2 với 245 chỗ ngồi, có đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại…sân thể thao có diện tích hơn 4.400 m2 là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của xã. Tất cả 8 thôn của xã đều có nhà văn hóa đạt diện tích, qui mô, trang thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa, thể thao của cộng đồng. Các thôn có 43 CLB, đội văn nghệ, bóng chuyền hơi, cầu lông…thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ông Nguyễn Huy Nhận, UV Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQ xã bộc bạch: “Hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các tầng lớp nhân dân Tân Quang hăng hái phát triển kinh tế, góp công, góp sức xây dựng nông thôn  mới đồng thời đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao. Phong trào bóng chuyền hơi nam, nữ người cao tuổi ở Tân Quang nhiều năm đứng đầu các đội trong tỉnh. Năm 2018, CLB bóng chuyền hơi Người cao tuổi xã thi đấu đạt giải nhất các đội bóng chuyền hơi Người cao tuổi miền Bắc. Việc cưới, việc tang ở các thôn thực hiện tốt nếp sống văn minh. Các khu nghĩa trang nhân dân ở nhiều thôn được quy hoạch, xây dựng đẹp như nghĩa trang liệt sĩ”.

Kiểm tra sản phẩm dược liệu ở làng nghề thôn Nghĩa Trai 

Thi đua với các ban ngành đoàn thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xã Tân Quang đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, trồng những đường hoa phụ nữ góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp của xã nông thôn kiểu mẫu. Chị em hăng hái phát triển kinh tế, nhiều chị đã trở thành hộ giàu từ mô hình kinh tế của gia đình mình không những thế còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như mô hình chế biến dược liệu của chị Đỗ thị Hoa ở thôn Nghĩa Trai, mô hình làm dép nhựa của chị Đinh Thị Sở ở thôn Ngọc Đà, kinh doanh vận tải của chị Lê Thị Hạnh ở thôn Thọ Khang…Phụ nữ Tân Quang còn có nhiều tổ cho vay không lấy lãi để giúp những chị khó khăn vươn lên. Vào dịp lễ, tết Hội Phụ nữ xã đã vận động chị em có điều kiện tham gia tặng nhiều xuất quà cho hội viên, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, củng cố tình làng, nghĩa xóm.

Là thành viên của MTTQ, Hội CCB Tân Quang luôn phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, đẩy mạnh các phong trào thi đua như “CCB gương mẫu”; “Ba xây, hai có” xây dựng hội vững mạnh. CCB Tân Quang đã xây dựng được các đội tự quản về vệ sinh môi trường ở các khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Ở một xã 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, các đồng chí CCB còn là những người đã tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống quê hương hăng hái thi đua học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lao động sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để ngày càng tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn góp phần tô thêm truyền thống quê hương Tân Quang anh hùng.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Đảng bộ và nhân dân Tân Quang rất quan tâm việc xây dựng cơ sở trường lớp từ Mầm non đến THCS. Trường Mầm non khu trung tâm xã với 18 phòng học được xây dựng trên khuôn viên hơn 5.000 m2 được xã đầu tư đạt chuẩn mức độ 2. Điểm trường mầm non tại thôn Nghĩa Trai và các cơ sở mầm non tư thục có cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu hiện nay. Trường Tiểu học có 26 phòng học cao tầng được xây dựng liền kề với Trường THCS có 13 phòng cao tầng tạo thành khu trường học của xã. Các trường đều đã đạt chuẩn Quốc gia, hệ thống trường học tiếp tục được xã đầu tư trang thiết bị dạy học, nâng cấp nhiều hạng mục để đáp ứng hơn nữa yêu cầu dạy và học, do đó chất lượng giáo dục của các nhà trường ngày càng nâng lên. Năm 2020, Trường THCS Tân Quang được Thủ tướng chính phủ tặng cờ thi đua, Trường Tiểu học được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận tập thể lao động xuất sắc.

Sau hơn 6 năm phấn đấu, tháng 12/2021 vừa qua xã Tân Quang đã được UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Nói về kết quả này, đồng chí Cao Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đạt được kết quả đó là có sự tập trung cao của Đảng ủy, UBND xã và các ngành, đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân trong xã. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Vì sự phát triển chung trong cả nước, vừa qua Tân Quang cơ bản hoàn thành thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị Đại An, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã chỉ còn hơn 40 ha. Nhiều thôn nông dân hết đất sản xuất, để họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập là điều chúng tôi rất trăn trở, đòi hỏi phải có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành thì nông dân mới có thể tiếp tục phát triển được, nhằm tiếp tục xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo”.

Phong trào bóng chuyền hơi ở Tân Quang ngày càng có nhiều người tham gia 

Sau quá trình xây dựng nông thôn mới, Tân Quang đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm từ sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đến sự nhận thức của người dân và sự tham gia của cả cộng đồng là bí quyết thành công. Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt chất lượng cao hơn, đồng chí Lâm Sĩ Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới của Tân Quang đó là: “Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tạo sự bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn; nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng nhiều mô hình khu dân cư kiểu mẫu, mô hình thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để đạt được mục tiêu đó Tân Quang đã đề ra 9 giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị-xã hội; tiếp tục công tác tuyên truyền những thành quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được thời gian qua, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động, tạo động lực phấn khởi, thi đua trong mọi tầng lớp nhân dân; huy động nhiều nguồn lực tạo vốn xây dựng nông thôn mới, sử dụng theo hướng ưu tiên các công trình như trường học, trạm y tế, giao thông thôn xóm… nâng cao chất lượng giáo dục, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Phấn đấu duy trì xã không có hộ nghèo theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Từ những kết quả đã đạt được, phát huy những lợi thế của địa phương gần thủ đô và các khu đô thị, mục tiêu phấn đấu của xã Tân Quang trong những năm tới chắc chắn sẽ đạt được, xứng đáng là điểm sáng để các xã trong huyện tham khảo, học tập nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Văn Lâm, Hưng Yên./.

Cao Văn Khởi - Trung tâm chính trị Văn Lâm, Hưng Yên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN