Phụ nữ Văn Lâm tích cực bảo vệ môi trường
(ĐCSVN) - Hưởng ứng phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, góp phần tạo không gian xanh, sạch, đẹp ở mỗi khu dân cư.
Thực hiện đề án: “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 – 2026” của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Văn Lâm xác định tham gia bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải, làm đẹp cảnh quan nông thôn, đô thị vì huyện phát triển bền vững là một trong ba khâu đột phá của Hội.
Nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ theo hướng thân thiện với môi trường
Thực hiện tốt khâu đột phá đó, Hội tiếp tục kết hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền cho hơn 1.795 cán bộ, hội viên thực hiện mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mặt khác Hội LHPN Văn Lâm đã tổ chức cho hơn 50 chị em ở các xã, thị trấn thăm mô hình phân loại xử lý rác thải tại nguồn ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh để học tập kinh nghiệm sau đó áp dụng tại mô hình ở địa phương mình.
Chị Tôn Thị Tần hướng dẫn chị em làm men nước IMO |
Chị Tôn Thị Tần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chỉ Đạo là một trong những người tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Sau khi được tập huấn cách làm men IMO của các chuyên gia nhưng là làm men khô, phải phơi mất nhiều thời gian, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mất nhiều kinh phí. Từ kinh nghiệm thực tiễn cộng với vốn kiến thức về hóa học, nên chị Tần đã quyết định làm men nước. Chị cho biết: “Vẫn theo công thức làm men của các chuyên gia, tận dụng các nguồn làm men sẵn có tại địa phương, chị đã trộn theo tỷ lệ: 5 kg cám gạo (cám ngô) + 1 đến 2 lít bia thừa (thay cho 1kg men rượu) + Chuối, vỏ dứa (hoa quả có vị ngọt) + 1 kg đường hoa mai + 10-25 gói men tiêu hóa (men nội) + 4 hộp sữa chua và 2 lít nước lọc. Ủ sau 3- 5 ngày sẽ tạo được men giống; việc làm men tập trung sẽ tiết kiệm được chi phí. “Qua thí điểm dùng men nước xử lý rác, tôi thấy hiệu quả rác xẹp nhanh, mùi chua nhẹ đồng thời tận dụng được nước rác sau xử lý để làm phân bón cho rau, cây ăn quả, cây cảnh lên xanh tốt, ít sâu bệnh không phải sử dụng thêm phân hóa học. Từ đó, tôi tham mưu với các cấp triển khai nhân rộng việc xử lý rác thải hữu cơ theo phương pháp mới này.”
Thời gian qua, UBND xã Chỉ Đạo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời đầu tư kinh phí mua thùng và hỗ trợ kinh phí làm men IMO ban đầu cho 900 hộ của 02 thôn tham gia. Mặt khác, khuyến khích các đồng chí cán bộ, công chức, các chi bộ, các ngành làm trước để nhân dân học tập làm theo. Kết quả, năm 2023 trên địa bàn xã đã có 1.840 hộ tham gia. Từ việc hơn 1.840 hộ trong xã áp dụng phương pháp mới, xử lý rác thải hữu cơ, ước tính mỗi ngày trên địa bàn xã Chỉ Đạo giảm được từ 1,5 đến 1,8 tấn rác hữu cơ phải chở đi xử lý theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Bải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Từ hiệu quả của việc các hộ ở hai thôn đã xử lý rác theo phương pháp sử dụng men nước, Đảng ủy, UBND xã đã họp phân công các thành viên, triển khai nhân rộng 2 thôn còn lại, như vậy cơ bản toàn bộ số hộ trong xã đều áp dụng phương pháp xử lý rác mới này, nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn xã”.
Thị trấn Như Quỳnh là địa phương có dân số tự nhiên và dân số cơ học đông, do đó lượng rác thải của các hộ gia đình rất lớn. Đồng chí Trương Thị Nho, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn cho biết: “Được huyện hỗ trợ 200 thùng, cán bộ Hội đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình khác tận dụng các đồ dùng sẵn có trong gia đình như thùng sơn, thùng xốp để xử lý rác. Đến nay, các hộ đã sử dụng 650 thùng và Hội đã cấp phát 1.300 gói chế phẩm EMUNIX và IMO xử lý rác, góp phần giảm đáng kể lượng rác hữu cơ”.
Đồng chí Vũ Văn Sữa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn đánh giá: “Với sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, đã góp phần giảm được lượng lớn rác thải hữu cơ của thị trấn cần đưa đi khu xử lý theo quy định. Qua đó, đã tiết kiệm được nhiều chi phí cho địa phương, đồng thời góp phần nêu cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhiều hộ dân”.
Ở xã Minh Hải, từ sự chỉ đạo của hội phụ nữ các cấp, Hội phụ nữ xã đã triển khai làm điểm ở hai thôn Ao và thôn Thanh Đặng, bước đầu sau khi được tập huấn và cấp men vi sinh, chế phẩm làm IMO nước đã có 600 hộ tham gia. Để nhân rộng việc xử lý rác thải, nhân dịp 8/3, 20/10 Hội phụ nữ tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: Sinh hoạt chuyên đề, hái hoa dân chủ, sân khấu hóa việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, hạn chế rác thải nhựa…Mặt khác tại nhiều hội nghị của các ban, ngành, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền về phương pháp phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp IMO, phát tờ rơi cách làm men IMO cho cán bộ, hội viên.
Hội Phụ nữ xã Minh Hải đã tham mưu lãnh đạo Đảng ủy, UBND vận động 2 công ty đóng trên địa bàn ủng hộ 742 thùng đựng rác để phát cho các hộ. Với phương châm “Cầm tay chỉ việc”, Hội phân công chị em đến tận nơi hướng dẫn tại hộ gia đình. Đến nay, thôn Thanh Đặng có 70 % hộ thực hiện tốt, thôn Ao 75%, các hộ thực hiện mô hình có hiệu quả, đã tận dụng được nguồn phân bón và nước tưới cho cây. Từ hiệu quả thiết thực của việc xử lý rác, nhiều hộ gia đình như chị Lê Thị Én, chị Vũ Thị Liên đã nhận cả rác của các hộ xung quanh về xử lý để làm phân bón cho cây trồng. Chị Vũ Thị Liên ở thôn Ao cho biết: "Từ khi biết sản phẩm sau xử lý rác hữu cơ tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, gia đình tôi đã đi đầu trong việc phân loại, xử lý rác và không phải mua phân hóa học để bón rau, song vườn rau phát triển rất tốt. Rác xử lý theo men IMO lại không bị mùi hôi thối, tôi thấy quý rác hơn. Tôi không còn vứt rác, bỏ phí rác như trước”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hộ thực hiện hiệu quả chưa cao. Hội Phụ nữ Minh Hải phấn đấu 100% số hộ thực hiện có hiệu quả mô hình. Hội cùng các chị em tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ thực hiện, nhằm nhân rộng mô hình cho 4 thôn còn lại trong xã.
Sau một năm triển khai thực hiện Đề án của Hội Phụ nữ tỉnh, được sự hỗ trợ về thùng đựng rác của UBND huyện Văn Lâm, đã có 3.792 hộ gia đình ở 11/11 xã, thị trấn của huyện thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO. Qua việc rà soát, tổng hợp việc xử lý rác thải hữu cơ của các hộ trong toàn huyện từ năm 2015 đến nay bằng những hình thức khác nhau, đến nay nâng tổng số hộ tham gia xử lý rác là: 14.379 hộ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện nay có 2.156 hộ gia đình tuy chưa được huyện, xã hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rác nhưng theo sự tuyên truyền, đã chủ động thực hiện phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ riêng biệt. Ước tính lượng rác hữu cơ các hộ trong toàn huyện tham gia xử lý mỗi ngày là khoảng 20 tấn, không phải vận chuyển về nơi xử lý theo quy định, giảm được đáng kể nguồn kinh phí.
Nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường
Cùng với hoạt động xử lý rác thải bảo vệ môi trường, Hội Phụ nữ Văn Lâm có nhiều hoạt động thiết thực khác. Để thực hiện tốt phong trào: “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và kế hoạch trồng cây nhân dân của huyện Văn Lâm, phát huy kết quả trồng, chăm sóc hơn 30 km đường hoa trong mấy năm qua, để hướng tới xây dựng nông thôn văn minh, hội Phụ nữ Văn Lâm đã đặt ra tiêu chí cao hơn trong việc trồng cây như: cây hoa đẹp hơn, tính bền vững lâu dài hơn và gắn với cảnh quan quy hoạch không gian ở mỗi khu dân cư. Từ nguồn kinh phí của hội và nguồn xã hội hóa, năm 2022, 2023 Hội Phụ nữ Văn Lâm đã lựa chọn 03 xã đạt nông thôn mới nâng cao là: Chỉ Đạo, Việt Hưng và Lương Tài để trồng 141 cây Osaka. Ở xã Chỉ Đạo, cây Osaka được trồng ở xung quanh hồ thôn Nghĩa Lộ. Được sự quan tâm của Hội cấp trên, do đó chi hội phụ nữ thôn và nhân dân rất phấn khởi khi đảm nhận trồng và chăm sóc. Sau 2 năm, cây lên xanh tốt, khoảng 1 năm nữa khi cây ra hoa, sẽ góp phần tạo nên cảnh đẹp của làng quê nông thôn mới kiểu mẫu. Ở xã Việt Hưng, Lương Tài cây Osaka được trồng ở đoạn trục trung tâm xã, thôn cùng với cây Osaka là đường hoa tạo cảnh quan đẹp mắt của xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện kế hoạch trồng cây nhân dân của UBND huyện Văn Lâm, giai đoạn (2021- 2025), Hội Phụ nữ các cấp ở Văn Lâm đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên trồng được hơn 2.750 cây xanh, cây hoa các loại. Cùng với phong trào trồng cây, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phụ nữ Văn Lâm đã tích cực triển khai mô hình vườn cây sinh kế, khởi nghiệp. Ba năm qua phụ nữ Văn Lâm đã phát triển được 16 vườn cây sinh kế, khởi nghiệp ở 7 xã. Hiện nay các vườn cây đang phát triển tốt hứa hẹn cho năng suất cao.
Nhằm đa dạng hóa việc bảo vệ môi trường, phụ nữ Văn Lâm ra mắt mô hình câu lạc bộ: “Phụ nữ hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần”. Điển hình cho mô hình này là ở xã Việt Hưng, mỗi thôn có một tổ gồm 5 đến 7 thành viên, hàng tháng thu gom rác thải nhựa từ các hộ trong thôn. Thời gian qua, các tổ đã thu gom được trên 500 kg túi nhựa các loại. Chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Thục Cầu cho biết: “Rác thải nhựa nhất là túi nilon rất lâu mới phân hủy được, nên rất ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, chúng tôi tích cực thu gom lại để bán làm quỹ mua thùng đựng rác, tặng chị em, nhưng mục đích chính là góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống xung quanh thôn xóm mình, nhằm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
Mô hình vườn cây sinh kế, khởi nghiệp ở xã Đình Dù |
Còn ở xã Đình Dù, chị Nguyễn Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Từ năm 2020, phụ nữ xã đã thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon, đến nay câu lạc bộ có 50 thành viên tham gia. Hàng tháng họp với nhiều nội dung, trong đó nhất là giao nhiệm vụ cho chị em là nòng cốt tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, như đi chợ mang làn, không dùng túi ni-lon để đựng hàng, đồng thời thu gom rác thải nhựa, bán lấy tiền tặng hộ nghèo. Từ hiệu quả mô hình này chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn trong xã trong thời gian tới”.
Không chỉ có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường phụ nữ Văn Lâm còn ra mắt mô hình điểm: “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ sạch”, “Nhà sạch - ngõ sạch”, “Nhà sạch - vườn đẹp”. Thực hiện mô hình này, đến nay có 452 hộ gia đình ở 4 xã tham gia. Nhiều gia đình nhận thấy đây là mô hình ý nghĩa không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả ngõ, cả xóm sạch, đẹp hướng tới xây dựng một nông thôn thực sự sạch, đẹp, văn minh. Cụ Nguyễn Thị Ủy, thôn Trịnh Xá, xã Chỉ Đạo - một nữ du kích Hoàng Ngân, phấn khởi nói: “Tôi thấy mô hình của chị em phụ nữ ngày nay sạch nhà, sạch ngõ, vườn đẹp rất hay, rất dễ làm, góp phần làm cho sạch từ nhà mình ra đến ngõ xóm, không những thế mà vườn còn phải đẹp mới đạt tiêu chí để được gắn biển. Gia đình tôi đã động viên các cháu, luôn tích cực vệ sinh môi trường, đồng thời mua thêm chậu cảnh, hoa cảnh để vườn nhà mình đẹp hơn”.
Mới đây Hội Phụ nữ huyện Văn Lâm phát động xây dựng mô hình điểm: “Tuyến đường không rác” nhằm phát động ngày chủ nhật “sáng, xanh, sạch, đẹp” ở 11 chi hội tại 11 xã, thị trấn. Ngay sau khi phát động đã có nhiều cơ sở hội hưởng ứng. Nổi bật là thị trấn Như Quỳnh, tổ chức ra mắt mô hình ngày chủ Nhật " Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp", hướng dẫn phân loại xử lý rác thải bằng chế phẩm IMO tại chi hội thôn Ngô Xuyên, bước đầu ra mắt 03 tuyến đường không rác thải dài 1.050 m có 120 hộ tham gia.
Với những hoạt động thiết thực đó phụ nữ Văn Lâm đã và đang góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh. Nói về phương hướng trong thời gian tới đồng chí Lê Thị Hồng Nhung, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND, ngày 18/01/2022 của UBND huyện Văn Lâm về “Trồng cây nhân dân huyện Văn Lâm giai đoạn 2021-2025” cũng như thực hiện có hiệu quả khâu đột phá thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội về “Nâng cao hiệu quả các hoạt động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp với Phòng Tài Nguyên và Môi trường về tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện.
Các cấp Hội LHPN toàn huyện phát động "Mỗi phụ nữ - một cây xanh", "Mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh", đã ra quân trồng 2.750 cây xanh, cây bóng mát, các loại cây ăn quả, phấn đấu hướng đến mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 5.000 cây xanh các loại đồng thời sẽ cụ thể hóa những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thành những công trình, phần việc, hoạt động thiết thực, phù hợp hiệu quả để khẳng định sự đúng đắn, tính khoa học và giá trị thực tiễn của Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp đã đề ra, góp phần tích cực cùng Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Lâm lần thứ XXV về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững”./.