Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạm ngừng đến trường, nhưng không ngừng học tập

Thứ Sáu, 06/08/2021 15:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, mỗi người đều phải có kỹ năng tự bảo vệ để phòng, chống dịch, sống và làm việc trong môi trường an toàn. Trong bối cảnh đó, học sinh các cấp học là đối tượng cần có những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tâm lý để yên tâm học tập tốt. Việc rèn kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh trong bối cảnh hiện nay ở các nhà trường là hết sức cần thiết.

 Học sinh cần được giáo dục kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Khi nói về kỹ năng tự bảo vệ của học sinh trong đại dịch COVID-19, chúng tôi đã đi sâu khảo sát và xây dựng các biện pháp để phát triển hai kỹ năng cần thiết, cấp thiết trong tình hình dịch. Đó là kỹ năng sinh tồn và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Sở dĩ dự án lựa chọn hai kỹ năng này trong nhóm 12 kỹ năng là bởi, đặt trong tình hình dịch đang còn diễn biến phức tạp như hiện nay, có thời điểm, học sinh phải thực hiện giãn cách xã hội, ngừng đến trường. Trong thời gian này, để duy trì cuộc sống, học sinh phải có những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân, ứng phó với sự tác động tiêu cực của dịch, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch. Đồng thời, thực hiện phương châm: “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, học sinh cần phải có kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia học trực tuyến, sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng để kết nối, trao đổi, học tập qua internet...

Trong phát triển kỹ năng sinh tồn, học sinh cần được rèn các kỹ năng nhỏ như: Rèn kỹ năng giữ bình tĩnh trong cả suy nghĩ và hành động trước mọi tình huống và suy nghĩ tích cực. Phát huy kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng tự vệ, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở GD & ĐT như: Giãn cách xã hội, cách ly xã hội, tự cách li, vệ sinh môi trường; tự giác bảo vệ sự an toàn, sức khỏe bản thân (đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, tránh đến nơi đông người, luyện tập thể dục thể thao...); tiết kiệm, phòng bị.... Phát triển kỹ năng phản ứng với trường hợp khẩn cấp, có kỹ năng phát tín hiệu cầu cứu: Khai báo y tế, tự cách ly, thăm khám, xét nghiệm khi nghi ngờ mắc dịch; Phát triển kỹ năng tương tác: Đoàn kết, yêu thương, gắn bó, quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ, bảo vệ người thân và những người xung quanh ... Học sinh cần có kỹ năng ứng phó phù hợp: Ứng phó linh hoạt, phù hợp với các tình huống, trước các diễn biến phức tạp của đại dịch (học trực tuyến, học online, tự học, học nhóm, trải nghiệm,...).

Để phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, học sinh cần thực hiện các biện pháp như: Tìm hiểu, trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về các thiết bị, các tính năng cơ bản, hữu ích; Tải các ứng dụng, phần mềm và trau dồi kỹ năng sử dụng các phần mềm phòng chống đại dịch; Sử dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch, theo sự hướng dẫn, chỉ đạo đặc biệt là các chương trình học trực tuyến, học trên nhóm lớp; Cập nhật, học tập tốt từ thầy cô, tự học theo hướng dẫn trên các website...; Sử dụng thành thạo các phần mềm: Powerpoint, Violet, đặc biệt là Zoom, Skype, Classroom, Microsoft teams/Teams 365/Teamsviewr...Khuyến khích các em tích cực sáng lập các phần mềm, tạo lập các trang web, tham gia các website; áp dụng kiến thức, kỹ năng được học thực hành trên các phương tiện CNTT.

Phát triển kỹ năng của học sinh, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trước sự tác động của đại dịch Covid-19 là nội dung giáo dục đúng đắn và là một nhu cầu cần thiết của các nhà trường phổ thông. Phát triển kỹ năng cần thiết của học sinh sẽ giúp cho học sinh có được hứng thú, sự tự tin trong cuộc sống cũng như mỗi khi đến trường. Khi có những kỹ năng tốt, học sinh sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và hoàn thiện bản thân, chủ động trước mọi tình huống trong học tập và cuộc sống.

Muốn phát triển kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của học sinh trước sự tác động của đại dịch và các dịch bệnh lớn khác, các nhà trường cần tạo ra sự thay đổi, đổi mới tích cực từ phía thầy/cô trong ban lãnh đạo, các thầy/cô giáo, phụ huynh. Và một điều kiện không thể thiếu được là sự chủ động, tích cực, sáng tạo từ phía học sinh. Mỗi học sinh không chỉ là một nhân tố mà còn là một chủ thể xây dựng, phát triển, phát huy hiệu quả những kỹ năng hữu ích trong đại chiến đẩy lùi COVID-19. Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm tình hình hiện tại của đại dịch, đặc thù vùng miền để phát huy được vai trò của học sinh trong việc phát triển kỹ năng. Các nhà trường cần có sự lựa chọn những kỹ năng cần thiết, kỹ năng trọng yếu và có những biện pháp phát triển kỹ năng học sinh phù hợp với trình độ, lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, điểm mạnh của học sinh mình.

Trong quá trình thực hiện rèn kỹ năng cho học sinh, các nhà trường cần có sự kết hợp các giải pháp phù hợp như: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và các hoạt động thực tế để trang bị các kỹ năng hữu ích cho học sinh trước sự tác động của dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh bất ngờ khác. Các biện pháp phát triển kỹ năng cho học sinh nói chung và  kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của học sinh nói riêng trong đại dịch cần đa dạng, toàn diện và có tính thực tiễn cao để mỗi học sinh phát huy được năng lực, sự chủ động, tích cực, kỹ năng sở trường của mình trong môi trường giáo dục và cuộc sống.

Có thể nói, phát triển kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh giữa đại dịch COVID-19 là một yêu cầu gắn với thực tiễn cuộc sống khi mà đại dịch này vẫn đang diễn biến phức tạp. Với đối tượng là học sinh phổ thông, phát triển kỹ năng nói chung và kỹ năng tự bảo vệ trong đại dịch vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là trách nhiệm của mỗi học sinh. Nội dung giáo dục này hoàn toàn phù hợp và cần thiết cho học sinh phổ thông các cấp học trên địa bàn cả nước./.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN