Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Tăng cường xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
(ĐCSVN) - Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi được giao quản lý trên địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017.
Đó là một trong những yêu cầu của UBND huyện Tam Đảo đối với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo; UBND các xã trên địa bàn huyện nhằm triển khai việc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ảnh minh họa (Ảnh: VT)
UBND huyện Tam Đảo nhận được văn bản số 1841/SNN&PTNT-CCTL, ngày 13/11/2018 về việc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó, theo báo cáo của các công ty TNHH MTV Thủy lợi thì tình hình vi phạm, tái vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi ngày một gia tăng cả về số lượng vi phạm, quy mô, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, do vi phạm làm hệ thống công trình thủy lợi bị xâm lấn, xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn.
Để từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND huyện Tam Đảo đề nghị công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo, UBND các xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là Luật Thủy lợi năm 2017, Nghị định số 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi được giao quản lý trên địa bàn, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017.
Thống kê và báo cáo các vụ vi phạm và việc xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Nêu những tồn tại, khó khăn, nguyên nhân và biện pháp xử lý khắc phục nếu có.
Đối với công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với công an huyện Tam Đảo trong công tác kiểm tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Căn cứ Điều 26, Điều 30 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP; căn cứ kết quả kiểm tra về nội dung hành vi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm được quy định trong Nghị định số 104/2017/NĐ-CP, làm cơ sở lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm và tham mưu, đề xuất hình thức xử phạt, mức độ xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định./.