Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Taliban và tương lai của Afghanistan?

Thứ Ba, 24/08/2021 23:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Taliban đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo”. Lực lượng này cũng tuyên bố sẽ “hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Trong khi đó, nhiều người vẫn lo ngại về ​một tương lai bất định sẽ dành cho quốc gia này.

 Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021. (Ảnh: AP)

Taliban từ sự kiện 11/9

Ngày 11/9/2001, cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ khiến 3.000 người thiệt mạng. Khi đó Afghanistan - nơi được cho là chứa chấp trùm khủng bố Osama Bin Laden, đang đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng Taliban. Để trả đũa vụ cho cuộc khủng bố, ngày 7/10, Mỹ cùng đồng minh bắt đầu chiến dịch trên lãnh thổ Afghanistan. Đúng hai tháng sau, ngày 7/12, chế độ Taliban đã sụp đổ hoàn toàn. Một liên minh gồm hơn 40 quốc gia đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) tại Afghanistan, nhằm thực hiện các chiến dịch chống lại quá trình nổi dậy của Taliban.

Tuy nhiên, Mỹ đã không hiểu rằng đây mới là màn khởi động cho cuộc chiến thực sự trên lãnh thổ Afghanistan. Các thành viên al-Qaeda và thành viên Hồi giáo cực đoan từ các bộ phận khác nhau, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót trong những ổ kháng cự trước kia, đã buộc Mỹ và các đồng minh phải hiện diện ở Afghanistan cho tới khi Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố rút quân.

Cho dù bị đánh bật khỏi vị trí nắm quyền, nhưng Taliban vẫn duy trì một bộ máy nhà nước của riêng mình, tồn tại song song với chính quyền ở Kabul. Nhà nước này có tên gọi là Vương quốc Hồi giáo Afghanistan với lá cờ riêng, và một chính phủ ngầm cai quản 34 tỉnh trong cả nước. Thủ lĩnh Taliban đứng đầu một hội đồng giám sát khoảng một chục ủy ban phụ trách các vấn đề như tài chính, y tế và giáo dục, thậm chí điều hành các tòa án riêng.

Taliban đã kiên nhẫn xây dựng lực lượng suốt 20 năm qua. Bất chấp các cuộc tấn công của liên quân và việc các thủ lĩnh của họ bị tiêu diệt, Taliban vẫn tồn tại, thậm chí có những đòn đáp trả bất ngờ. Vị thế của Taliban đã thay đổi rất nhiều, họ có thể đối thoại với Mỹ và các cường quốc khác như một lực lượng chính trị - quân sự độc lập. Trong khi đó, chính quyền thân Mỹ ở Kabul xung đột nội bộ, tham nhũng tràn lan và thiếu năng lực lãnh đạo, các lực lượng an ninh hoạt động kém hiệu quả, phụ thuộc ngày càng tăng vào hỗ trợ tài chính và quân sự nước ngoài.

Mỹ và Taliban đã đạt được thỏa thuận vào tháng 2/2020 tại Qatar mà chính phủ Afghanistan gần như không tham gia. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan từ ngày 1/5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận không làm chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Thay vào đó, họ chuyển mục tiêu vào các lực lượng an ninh Afghanistan, dân thường và các mục tiêu cần ám sát. Những vùng đất do họ kiểm soát ngày càng rộng lớn thêm.

Nắm bắt cơ hội khi Mỹ bắt đầu rút quân, Taliban đã tấn công khắp miền Bắc Afghanistan. Tại nhiều khu vực, quân chính phủ thậm chí đầu hàng mà không chiến đấu. Sau một loạt các cuộc tấn công dồn dập, đến ngày 15/8, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan rời khỏi đất nước. Taliban tuyên bố chiến tranh kết thúc và sẽ thành lập một “Tiểu vương quốc Hồi giáo”.

Tương lai nào cho Afghanistan?

Một số chuyên gia cho rằng, một tương lai bất định sẽ dành cho Afghanistan. Trong quá khứ, Taliban từng nổi danh với việc thực thi luật Hồi giáo cực đoan. Nay Taliban nắm quyền, người dân Afghanistan có thể một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số.

Trong những ngày qua, hàng nghìn thường dân đang tìm cách chạy trốn khỏi Afghanistan, điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Mối lo ngại đang nổi lên đối với các nước láng giềng là một cuộc di cư của người Afghanistan. Những người ở lại thì lo sợ sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo cực đoan. Đã có thông tin binh sĩ Taliban đóng cửa các trường học nữ sinh, cấm điện thoại thông minh ở một số nơi và buộc các nam thanh niên phải gia nhập hàng ngũ của họ.

Robert Crews, chuyên gia tại Đại học Stanford (Anh) cho rằng: “Họ muốn áp đặt tầm nhìn của họ về luật Hồi giáo. Họ không muốn có quốc hội, không muốn nền chính trị bầu cử. Họ có một tiểu vương và hội đồng các mullah, và đó là tầm nhìn mà họ thấy là tốt nhất cho đạo Hồi”. Cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani thì nhận định: “Không có lý do gì để bảo đảm một chế độ Taliban mới sẽ không vi phạm nhân quyền”.

Một hệ lụy khác là Afghanistan có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan. Taliban có thể cho phép các nhóm như al-Qaeda hồi sinh huấn luyện và hoạt động từ đó. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng, nếu Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, họ có thể cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, cho ISIS và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung. Đại sứ Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isaczai cũng đưa ra một cảnh báo tương tự “Taliban được hỗ trợ bởi các mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá lực lượng Taliban nay đã khác rất nhiều so với trước đây. Taliban kêu gọi người dân không nên lo sợ, lực lượng này không có ý định trả thù bất cứ ai. Ngày 16/8, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, Mohammad Naeem, khẳng định rằng Taliban không muốn bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, lực lượng này “sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”; Chính phủ mới cũng sẽ bao gồm những người Afghanistan không phải thành viên Taliban.

Tại cuộc họp báo đầu tiên diễn ra ngày 17/8, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định có “sự khác biệt rất lớn” giữa lực lượng Taliban bây giờ và 20 năm trước. Ông cam kết, phụ nữ tại Afghanistan sẽ được hưởng quyền lợi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, họ có thể đi học, làm việc trong các trường học và bệnh viện. Trước đó, ông Enamullah Samangan, thành viên ủy ban văn hóa Taliban nói rằng phụ nữ thậm chí có thể phục vụ trong chính quyền Taliban mới.

Cho dù Taliban điều hành đất nước theo cách đã từng làm hay có sự cải cách thì họ cũng sẽ vấp phải những thách thức không dễ vượt qua. Thứ nhất, ngoài một số ít nước đã phát tín hiệu sẵn sàng tương tác với Taliban, nhiều quốc gia trên thế giới hiện chưa công nhận hoặc nêu điều kiện để công nhận Taliban, như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, một số thành viên Liên minh châu Âu (EU). NATO ra điều kiện với Taliban và cảnh báo kịch bản “tấn công quân sự”.

Thứ hai, Mỹ đang phong tỏa hàng tỉ USD tài sản của Afghanistan, Taliban sẽ không thể tiếp cận nguồn tiền của chính quyền Tổng thống Ghani để lại. Quyết định phong tỏa tài sản có thể sẽ thêm gánh nặng đối với nền kinh tế vốn đã kém phát triển của Afghanistan, đồng thời gia tăng nhu cầu Mỹ đẩy mạnh viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.

Thứ ba, mặc dù không lớn nhưng nguy cơ về một cuộc nội chiến tại Afghanistan vẫn có thể xảy ra khi tại tỉnh Panjshir, giới chức cấp cao của chính quyền Afghanistan đã tập hợp để lập một mặt trận chống Taliban, trong đó có Phó tổng thống Amrullah Saleh - người vừa tuyên bố là Tổng thống lâm thời Afghanistan. Các chuyên gia không loại trừ rằng nếu các cuộc đụng độ tiếp tục, Taliban có thể bắt đầu các chiến dịch thù địch.

Như vậy, chưa rõ ràng một kịch bản nào tại Afghanistan, nhưng dư luận cho rằng, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực cộng đồng quốc tế, góp phần mang lại hòa bình, ổn định cho Afghanistan và đảm bảo môi trường an ninh khu vực và thế giới./.

Nguyễn Nhâm

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN