Suy nghĩ về…vá
(ĐCSVN) - Động từ “vá” là khái niệm rất dễ hiểu trong vốn từ vựng của Tiếng Việt. Nó hiểu nôm na đó là việc vá víu, phục hồi lại một đồ vật như: Cái quần, chiếc áo hoặc săm xe… nói chung là việc nhằm tận dụng thêm số lần sử dụng, cũng bởi trước đây đời sống chung của dân ta còn nhiều khó khăn…
Vá xưa nay đơn thuần là vậy…Tuy nhiên giờ vá đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong điều kiện kinh tế đất nước rõ ràng có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí có những chiêu vá có thể khẳng định đang vươn tới một đẳng cấp “thượng thừa” đơn cử như:
Vá đường: Ai có công việc mà đi trên QL 1A từ Bắc vào Nam hay bất cứ một quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên thôn nào ở các địa phương sẽ không khó để gặp những miếng vá lốm đốm trên mặt đường. Ngày 30/6 Báo Lao Động có phản ánh, tuyến đường N5 nối xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc và Trạm nghiền xi-măng Sông Lam (Nghệ An) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tuy nhiên vừa thông xe 2 tháng đã “vá chằng vá đụp”; ngày 13/4, Báo Xây dựng thông tin dù mới đưa vào sử dụng nhưng nhà thầu đã phải thực hiện vá víu nhiều chỗ trên tuyến đường Nguyễn Văn Tố TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn do xuống cấp, không đạt yêu cầu về kỹ thuật; năm 2015 báo chí cũng rầm rộ thông tin, khoảng tháng 10/2015, Bộ Giao thông Vận tải liên tục tổ chức các cuộc thông xe dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 qua các tỉnh, thành. Tuy nhiên, nhiều đoạn vừa thông xe còn chưa kịp bàn giao nhưng đã xuất hiện những điểm hư hỏng. Vậy là vừa rầm rộ làm lễ thông xe xong, lại đổ quân đi... vá đường, từ quốc lộ 1A cho đến các đường tỉnh lộ 14, 28 ở Tây Nguyên…
Và có một thực tế rằng, chúng ta chỉ có việc đi vài trăm cây số trên đường thôi, chắc chắn sẽ gặp những miếng vá đường! Miếng vá to có, miếng vá nhỏ có, miếng vá “khủng” cũng có... Nào là quốc lộ vá, tỉnh lộ vá và thậm chí cao tốc cũng không hiếm những miếng vá.
Với những cung đường “già nua” phải vá để đi tạm đành một nhẽ, nhưng với những đường tiền tỷ, nghìn nghìn tỷ vừa sử dụng được đôi ba năm, thậm chí chưa kịp nghiệm thu và bàn giao đã lốm đốm những miếng “vá chằng, vá đụp” là điều bất thường khó chấp nhận! Một câu hỏi lớn đặt ra là không biết khâu kiểm tra, giám sát, thẩm định trong việc xây dựng công trình giao thông thế nào mà nghề vá ở ta lại "đa-di-năng" đến vậy?
Vá nhà, vá công trình: Chuyện một chung cư, tòa nhà cơ quan đưa vào sử dụng chưa lâu đã thấy xuất hiện nào là nứt, nào là rạn, nào bong tường, nào là khe hở…Không ở đâu xa, ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thời gian qua không hiếm các vụ việc cư dân phản ứng chủ đầu tư vì chất lượng chung cư không như những gì mà mà các vị... “nổ”!
Được chủ đầu tư giới thiệu chung cư Happy star Tower (quận Long Biên, Hà Nội) là phân khúc chung cư cao cấp, tiện nghi, sang trọng. Tuy nhiên, trái với lời quảng cáo của nhà đầu tư, người dân cho biết, chỉ mới dọn về chung cư sinh sống một thời gian ngắn nhưng hàng loạt bất cập về chất lượng kém của dự án chung cư Happy star đã được khách hàng phanh phui như việc không có cửa sắt bảo vệ căn hộ, tường nứt, ngấm nước mưa... Mặc dù được giới thiệu là dự án có thiết kế sang trọng hiện đại và tiện nghi, sẽ mang đến cho cư dân trải nghiệm về cuộc sống đẳng cấp giữa lòng thành phố. Thế nhưng, sau khi nhận nhà được vài tháng, hàng trăm cư dân tại chung cư Saigonres Plaza (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã “khóc ròng” vì chất lượng của khu căn hộ được gắn mác cao cấp nhưng xuống cấp nhanh đến… nghiêm trọng. Và còn nhiều vụ việc tương tự ở các tỉnh thành, địa phương.
Với những sự vụ đã rồi, công luận, dư luận lên án, phanh phui một cách “tâm phục khẩu phục”… Các ông đầu tư sẽ một tay hạ nhiệt những ồn ào, đồng thời sẽ cho bộ phận có động thái kiểu như “khắc phục hậu quả kịp thời”. Cuối cùng là có việc cho các chú thợ nề, ngày kiếm đôi trăm nuôi thân, nuôi vợ con bằng việc vá tường, vá cột, vá chung cư, vá bất cứ chỗ tường, trần nào bị rách rưới. Và thiên tài hơn đôi kết cấu có vấn đề người ta còn vác máy hàn giằng, tức vá cả… cốt thép!
“Vá” luật: Nếu tra cứu cụm từ khóa “luật chưa thông qua đã bất cập”, lập tức google sẽ cho gần 4.000 kết quả liên quan. Điều đó không hề sai, không cần diễn giải nhiều ai cũng biết điều đó bởi thực tế đã chứng minh. Đó là một thực tế gây không ít phiền hà, thậm chí đau đầu cho các nhà quản lý trong công tác thực thi, giám sát, điều chỉnh hành vi xã hội khi còn tồn tại không ít việc luật cũ chưa hết hiệu lực thì luật mới lại được “thai nghén” ra đời! Đủ thứ luật thông tư, đủ loại công văn hướng dẫn, vậy mà việc thi hành vẫn không thoát cảnh luẩn quẩn rối ren. Bởi trong quá trình thực thi thì có một số luật đã có ngày càng bộc lộ nhiều bất cập phải bổ sung sửa đổi. Cạnh đó, còn có cả những luật chưa kịp “chào đời” đã “chết yểu” ngay từ vòng dự thảo. Việc kịp thời phát hiện bất cập của luật để bổ sung, sửa đổi là cần thiết để cho luật đi cùng thực tiễn cuộc sống... Song, việc lạm dụng bổ sung, sửa đổi quá nhiều cũng chẳng khác nào “vá” lỗ hổng cho luật, và hệ quả có những sự xung đột, mâu thuẫn giữa bộ luật này chồng chéo lên bộ luật khác đã gây không ít khó khăn cho cơ quan thực thi cũng như những người chấp hành.
Việc “vá” để tận dụng một đồ vật nhằm có thể sử dụng được nhiều lần, đó cũng là tiết kiệm. Song hiện nay, chúng ta thấy “vá” đã quá bị lạm dụng, đôi khi nó còn thực sự gây nguy hiểm cho xã hội, ví dụ như: Việc "vá" công trình sẽ không đảm bảo độ an toàn, tuổi thọ; một con đường vá sẽ không phải là con đường tốt, luật pháp phải sửa đổi bổ sung nhiều sẽ hạn chế đến sự tiến bộ chung của quốc gia…Chúng ta cần đấu tranh với vấn nạn lạm dụng “vá” để đất nước có nguyên khí phát triển thực sự mạnh, bền, đồng đều cả về lượng và chất./.