Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sudan: Lệnh ngừng bắn phát huy hiệu lực, tình hình nhân đạo vẫn khó khăn

Thứ Tư, 26/04/2023 14:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lệnh ngừng bắn 72 giờ đồng hồ tại Sudan đã có hiệu lực từ nửa đêm 24/4 và nhìn chung tiếp tục được duy trì trong ngày 25/4. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh đó, thì tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm vẫn đang trở nên trầm trọng ở Sudan khiến giá cả leo thang chóng mặt, còn dòng người sơ tán vẫn tiếp tục đổ dồn về biên giới.

Khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Sudan

Bất ổn tiếp diễn đã khiến nhiều người dân Sudan đang rơi vào cảnh khó khăn. (Ảnh: Reuters) 

Trong thông báo phát đi ngày 25/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết cơ quan này đã nhận được báo cáo về việc thường dân đang tiếp tục sơ tán khỏi các bang: Khartoum, Northern, Blue Nile, Bắc Kordofan, Bắc Darfur, Tây Darfur và Nam Darfur, trong khi nhiều người đang vượt biên sang các nước xung quanh. "Sau 10 ngày giao tranh bùng phát, tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là ở Khartoum và các khu vực lân cận… Giá của các mặt hàng thiết yếu, cũng như chi phí đi lại - đang tăng chóng mặt” – OCHA nêu rõ.

OCHA cho biết tại Wad Madani thuộc bang Aj Jazirah, giáp với Khartoum, giá các mặt hàng thiết yếu tăng từ 40 - 100%. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận xảy ra 14 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe kể từ khi các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ tranh (RSF) – nhóm bán quân sự lớn mạnh ở Cộng hòa Sudan bùng phát từ ngày 15/4. "Chúng tôi và các đối tác tiếp tục cung cấp hàng cứu trợ vào bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể" - OCHA cho biết.

Trong khi đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục hỗ trợ các đối tác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phân phối đồ dùng hỗ trợ các ca sinh nở an toàn và quản lý các trường hợp sản khoa khẩn cấp thông qua mạng lưới các nữ hộ sinh.

Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi ngừng bắn, thiết lập hòa bình ở Sudan

Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại thủ đô Khartoum và nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Sudan, tới nay đã có hơn 400 người thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương do tình hình bất ổn kéo dài 10 ngày qua tại quốc gia Bắc Phi này. Trước bối cảnh trên, nhiều nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc giao tranh ở Sudan.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP) 

Phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Sudan, ngày 25/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt ngay chiến sự kéo dài suốt 10 ngày qua tại quốc gia này.

Theo lập luận của người đứng đầu Liên hợp quốc, 10 ngày đất nước Sudan chìm trọng bạo lực và hỗn loạn do nổ ra giao tranh giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) là một “khoảnh khắc đau lòng”. Đất nước Sudan đang bị đẩy vào một cuộc chiến tranh toàn diện và kéo dài là thực tế không thể chấp nhận được.

Sudan có đường biên tiếp giáp với 7 quốc gia và tất cả các nước này đều có liên quan đến xung đột hoặc chứng kiến tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại Sudan trong thập kỷ qua. Ông Guterres lưu ý khu vực này cũng đồng thời là cửa ngõ vào khu vực Sahel, nơi tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị đang khiến tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc càng trở nên tồi tệ hơn. “Khắp khu vực rộng lớn hơn, nghèo đói đang hoành hành. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu và mức nợ tăng vọt đang gây ra những hậu quả khủng khiếp. (…) Ở một số nơi, viện trợ nhân đạo là tất cả những gì giúp ngăn chặn nạn đói” – ông Guterres trăn trở.

Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, cuộc tranh giành quyền lực ở Sudan không chỉ khiến tương lai của đất nước này đứng trước rủi ro mà còn có nguy cơ tiếp lửa cho một thùng thuốc súng có thể phát nổ xuyên biên giới, gây ra những nỗi đau lớn trong nhiều năm và khiến sự phát triển bị thụt lùi trong nhiều thập kỷ. “Cuộc chiến phải dừng lại ngay lập tức… Chúng ta cần một nỗ lực toàn diện để tái thiết hòa bình" – ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi các bên tham gia xung đột ngưng tiếng súng và đặt lợi ích của người dân lên vị trí trung tâm hàng đầu. Theo ông, “cuộc xung đột này sẽ không và không thể được giải quyết trên chiến trường. Người dân Sudan đã thể hiện mong muốn của họ rất rõ ràng. Họ mong muốn hòa bình và khôi phục chế độ thông qua quá trình chuyển đổi dân chủ”.

Từ những lập luận nêu trên, ông Guterres yêu cầu các bên đối địch ở Sudan tôn trọng lệnh ngừng bắn 72 giờ và hướng tới thiết lập một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Ông cũng kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an, các nước thành viên của Liên hợp quốc cùng các tổ chức khu vực có ảnh hưởng hối thúc các bên hành động theo chiều hướng giảm căng thẳng và quay trở lại bàn đàm phán ngay lập tức.

Phát biểu tại phiên họp, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo, bà Joyce Msuya cũng tỏ rõ quan ngại khi chiến sự ở Sudan đang nhanh chóng biến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng thành một thảm họa. Bà Msuya chỉ ra rằng, ngay cả trước khi các cuộc xung đột giữa SAF và RSF bùng phát vào ngày 15/4 thì nhu cầu nhân đạo ở Sudan đã ở mức cao kỷ lục. Có tới 15,8 triệu người – chiếm 1/3 dân số Sudan – cần viện trợ nhân đạo, trong khi 4 triệu trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng.

Bà Msuya cảnh báo: "Cuộc xung đột này sẽ không chỉ làm sâu sắc thêm những nhu cầu đó mà còn có nguy cơ tạo ra một làn sóng khủng hoảng nhân đạo mới. Giao tranh đang cản trở và gây nguy hiểm cho các hoạt động viện trợ. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nhanh chóng bị đẩy thành một thảm họa". “Liên hợp quốc đang kích hoạt một trung tâm ở Nairobi, Kenya, để hỗ trợ công tác phản ứng nhanh và đang chuẩn bị đón dòng người tị nạn đổ vào các quốc gia trong khu vực” – bà Msuya nói, đồng thời cho biết thêm rằng hàng chục nghìn người đã tị nạn tới Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập , Ethiopia và Nam Sudan.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo nêu rõ: "Những gì người dân Sudan cần, những gì chúng tôi cần để có thể tiếp cận họ là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng"./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN