Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sức Xuân nơi vùng cao Điện Biên

Thứ Năm, 08/02/2024 11:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Điện Biên được biết đến là mảnh đất biên giới còn nhiều khó khăn. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Điện Biên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân…

Những ngày cuối năm, có mặt tại huyện Nậm Pồ chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của người dân địa phương sau một năm kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc. Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trong năm 2023, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế hiện có. Theo đó, huyện tập trung phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển cây rau mầu; ăn quả, cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Nậm Pồ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân. (Ảnh: Lê Hoa).

Đến nay, huyện Nậm Pồ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, như: Mô hình Cam tại xã Nậm Tin; Bí xanh tại xã Chà Nưa, Si Pa Phìn; Dứa tại xã Nậm Chua; Mận, tinh dầu Xả tại xã Vàng Đán; Lạc tại các xã Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở; Sa nhân tại các xã Chà Tở, Nà Hỳ, Nậm Khăn… Hiện tại, huyện đang phát triển mô hình trồng cây Mít, cây Quế trên địa bàn hầu hết các xã; nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả tại một số xã trên địa bàn huyện… Trong năm 2023 vừa qua, kinh tế của huyện tăng trưởng, phát triển khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt trên 9,5%/năm. Hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện cơ bản đã được phủ kín, đảm bảo đạt 100% số bản. Giai đoạn 2020 – 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm vào khoảng trên 4,45%/năm.

Anh Chảo Phù Hưng ở bản Sín Chải, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của bà con trong bản đã được nâng lên. Nhiều hộ dân dần từ bỏ canh tác truyền thống, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, từng bước phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cho người dân”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng huyện Nậm Pồ, trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên, kinh tế xã hội cũng đã có bước chuyển mình rõ nét. Theo đó, hằng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã chủ động lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (gọi tắt là đề án 79)… Qua đó, đã có những tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.

 Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Vũ Lợi).

Theo đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, năm 2023, được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể và sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu lớn với 14/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,1%, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra và đạt khá cao so bình quân chung của cả nước, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng định hướng. Các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là đã hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đưa vào khai thác trở lại từ ngày 02/12/2023 vừa qua.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. (Ảnh: Vũ Lợi). 

Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước đạt hơn 1.571 tỷ đồng, đạt 98,50% dự toán trung ương giao, là năm thứ 3 liên tiếp số thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.505,5 tỷ đồng;.... Đây được coi là điểm nhấn quan trọng, là gam màu nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên thời gian qua.

Đến với Điện Biên những ngày này, cảm nhận rõ nét nhất đối với mỗi người chính là sức xuân nơi mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng. Xuân Giáp Thìn đang về với Điện Biên. Phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, phấn đấu sớm thực hiện thành công mục tiêu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030./.

Phạm Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN