Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sức sống mới từ nghề cổ truyền gắn kết văn hoá truyền thống

Thứ Sáu, 27/08/2021 14:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ bao đời nay làng nghề vùng Bắc bộ đã là một phần của di sản văn hoá dân tộc, được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Những tinh hoa nghề xưa mang văn hoá truyền thống, là nhân tố cần thiết giúp cho sự phát triển của làng nghề truyền thống ở thời kỳ mới.

Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó, miền Bắc chiếm khoảng 1.500 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình...

Bên trong các làng nghề truyền thống chứa đựng những nét văn hóa thuần Việt với: Cây đa, giếng nước, sân đình, những câu hát dân gian, cánh cò trắng, lũy tre xanh... Đằng sau lũy tre làng là những mảng màu trầm mặc, những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc, mang tới khách thăm những cảm giác thư thái, yên bình. Ở các làng nghề là nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, đặc trưng cho văn hoá Việt Nam, một dân tộc hiền hoà mà hiếu khách.

Giá trị nổi bật của các làng nghề truyền thống đó là tài nguyên văn hoá giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú, đa dạng. Có thể thấy rằng du lịch làng nghề truyền thống đang là mô hình hiệu quả giúp du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán, lễ hội lâu đời ở các làng nghề cổ truyền.

Vai trò của các làng nghề truyền thống được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của kinh tế xã hội với những giá trị to lớn, độc đáo. Ở thời đại của công nghệ cao ngày nay dù có phát triển nhưng cũng không thay thể được sự sáng tạo của các nghệ nhân, nghề truyền thống và các tinh hoa của nhiều nghề truyền thống vẫn còn mãi với thời gian.

 Kỹ thuật rút tơ sen làm lụa độc đáo ở Phùng Xá.

Điều này được minh chứng ở làng dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi ven sông Đáy nổi danh với nghề “canh cửi”. Người dân vùng quê này rất tự hào khi nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu và dệt được lụa từ tơ sen. Điều mà bất cứ nền công nghiệp nào khó có thể thay thế được sức sáng tạo, sự tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình đã bốn đời làm nghề dệt tại Phùng Xá, từ nhỏ đã gắn bó với nghề ươm tơ dệt lụa, bà Thuận có rất nhiều kinh nghiệm và am hiểu các công đoạn của nghề dệt cổ truyền. Từ năm 2017, bà kỳ công nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen, nhưng cũng phải hơn một năm sau bà mới có thể làm ra những chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên. Sau những ngày miệt mài gắn bó với cây sen, những sợi tơ sen mỏng manh đã trở thành thân quen, gắn bó quấn quýt với đôi tay bà. Thông thường, để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn thường, một người làm mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3000 cọng sen. Để dệt được một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen.

Nhờ sự sáng tạo và tài hoa, các sản phẩm làm từ lụa sen rất được thị trường ưa chuộng, các sản phẩm từ ngôi làng này đã theo các đoàn khách quốc tế đến với không ít quốc gia khác, mang theo niềm tự hào về nghề truyền thống của Việt Nam.

 Kỹ thuật chạm khắc tinh tế của người thợ làng Đại Bái.

Mỗi làng nghề là một môi trường văn hóa, kinh tế - xã hội và kỹ thuật truyền thống lâu đời, bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất đúc kết ở những nghệ nhân tài hoa. Nổi trọi trong số này là làng đúc đồng Đại Bái huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sau hàng thế kỷ thăng trầm với nghề, Đại Bái ngày nay được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ, đem lại thay đổi tích cực về kinh tế xã hội cho người dân làng nghề. Dấu ấn văn hóa Việt còn in đậm trên các sản phẩm thủ công của làng nón Chuông, làng Đồng Kỵ, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, cói Kim Sơn, thảm Phụng Thượng…

Hàng vạn thợ giỏi và nghệ nhân ở các làng nghề đã tạo công ăn việc làm trong xã hội. Các sản phẩm truyền thống làng nghề không chỉ đem lại giá trị kinh tế trong nước mà còn đem lại giá trị ngoại tệ khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Một trong số đó có làng nghề dệt Hồi Quan (Từ Sơn - Bắc Ninh) xa xưa đến nay vẫn gìn giữ và lưu truyền được nghề truyền thống. Trong làng hiện có khoảng 900 hộ gia đình thì có khoảng 800 hộ làm nghề dệt truyền thống, gia đình nào cũng có khung cửi và thoi đưa. Những cô gái ở Hồi Quan đến tuổi xuân thì ai cũng biết dệt khung cửi, còn bà già trẻ nhỏ thì quay ống gấp khăn vải. Nhiều gia đình có tới ba, bốn đời làm nghề dệt truyền thống như gia đình Ông Nguyễn Hữu Du đã 40 năm làm nghề dệt thủ công. Gia đình bà Dương Thị Huyền cũng là một gia đình có thâm niên 20 năm tiếp nối làm nghề cổ truyền cha ông để lại, hiện tạo việc làm cho trên 30 lao động ở làng.

 Dệt mành xuất khẩu ở làng nghề Hồi Quan.

Thế hệ trẻ ở Hồi Quan cũng đã năng động đầu tư máy móc hiện đại, mở xưởng sản xuất, giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn. Các sản phẩm được làm từ làng nghề chủ yếu là vải lụa dệt mành tre dùng trong gia đình hay khách sạn, và xuất khẩu sang nước ngoài vải làm khố, gối cho trẻ em khăn mùi xoa, khăn mặt. Ngoài ra còn các sản phẩm khác như vải trắng mềm tiệt trùng tẩy trắng dùng trong y tế…

Ở Hồi Quan nhiều gia đình vẫn giữ nghề thủ công truyền thống để tạo nên một ngôi làng nghề cổ kính. Hiện nay, vào ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch hàng năm người dân trong làng lại mở lễ hội các anh hai chị hai lại mặc quần áo quan họ chiếc nón quai thao do chính làng nghề làm ra, với những làn điệu quan họ đậm đà mến khách của nguời Kinh Bắc. Sự tiếp nối truyền thống và hiện đại đã giúp Hồi Quan vươn lên làm giầu từ nghề cổ truyền của cha ông, ngay trên mảnh đất quê hương mình một cách bền vững.

Các nhà nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các làng nghề cổ truyền có các sản phẩm gắn kết với các yếu tố văn hóa truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Nếu không có văn hóa thì làng nghề phát triển vô hồn, chập chững, khó đứng vững trước những thách thức của nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy nơi nào còn giữ nghề truyền thống thì môi trường xã hội nơi ấy thường bình yên, tốt đẹp, con người có tâm đức, hiền dịu, biết cách ứng xử đúng mực, họ chú tâm đến sáng tạo các sản phẩm văn hóa, khoa học có ý nghĩa đối với đời sống, xã hội.

Các làng nghề cũng cho thấy tiềm năng to lớn để khai thác các sản phẩm du lịch – văn hoá phát triển theo hướng bền vững, thông qua đó giúp bảo tồn văn hoá, phát triển kinh tế xã hội ở các làng nghề truyền thống. Ngược lại các làng nghề truyền thống cũng tạo nên sức hấp dẫn độc đáo thu hút du khách và tạo những tác động tương tác với du lịch trong một mục tiêu phát triển chung.

 Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi gặp những sản phẩm thủ công đậm sắc màu dân gian làm ra từ đôi bàn tay những nghệ nhân làng Hảo, ngoài ra còn có thể mua những món đồ lưu niệm độc đáo ở các làng nghề này.

Mỗi dịp đón Trung thu, mỗi người dân lại tìm về những mạch nguồn văn hoá. Ở Làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước từng rất thịnh hành nghề làm đồ chơi dân gian. Theo các bậc cao niên tại làng: Đồ chơi trung thu làm ra ở đây từng được đưa đi khắp các tỉnh thành cả nước. Cứ đến mùa Trung thu cả làng lại làm trống, đầu sư tử hay mặt nạ. Khắp xóm làng, tiếng xẻ gỗ, búa đe lọc cọc, tiếng thử trống lách cách, các bà, các mẹ ngồi bồi giấy trò chuyện rôm rả...

Sự đổi thay thị hiếu cùng những thăng trầm thời cuộc nhiều lúc khiến làng Hảo chỉ còn một số hộ dân kiên trì giữ và làm nghề. Điều đáng mừng là những năm gần đây, đồ chơi trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế vốn có, bởi ưu điểm thân thiện, an toàn không gây hại cho sức khỏe trẻ em, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng chọn mua, nhờ vậy nghề làm đồ chơi trung thu ở làng Hảo đang khấm khá lên.

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm đồ chơi ở làng Hảo được cải tiến mẫu mã đa dạng và bắt mắt hơn. Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như: Mặt nạ, ông Địa, chú Tễu,... thợ làng nghề còn sáng tạo thêm các loại mặt nạ hình thỏ, trâu, cáo, lợn, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới,.. Mặt nạ chú Tễu chế tác với nhiều cảm xúc như cười mỉm, cười lớn, hung dữ, nhăn nhó, tức giận,...ngộ nghĩnh. Các sản phẩm trung thu làng Hảo đã có chỗ đứng tại phố Hàng Mã (Hà Nội), tại Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh.

Ông Đông nghệ nhân làng Hảo cho biết: Vài năm trở lại đây, độ hai tháng trước Rằm Trung thu, làng Hảo đón nhiều đoàn khách thăm. Mỗi xưởng làm đồ chơi đón khoảng ba chục đoàn khách thăm về tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm và tô vẽ mặt nạ. Người dân làng Hảo luôn vui vẻ đón khách tham quan, tạo điều kiện để tìm hiểu các công đoạn để làm ra các sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống của Việt Nam.

Từ nền tảng truyền thống, những người thợ làng Hảo đang góp phần nối dài những mạch nguồn văn hóa, để Tết Trung thu cổ truyền thêm đậm đà sắc mầu dân tộc, những đêm trông trăng phá cỗ đêm rằm đầy ắp kỷ niệm trong mỗi tâm hồn trẻ thơ.

Thế Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN