Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia

Thứ Sáu, 17/03/2023 14:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH là một trong những quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi).

Sửa đổi Luật BHXH là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nêu rõ sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua 6 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hiện Luật BHXH 2014 cũng cho thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

  Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo cung cấp các thông tin mới về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Việc sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra các yêu cầu về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng (Trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung). Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 mới chỉ có quy định về tầng BHXH cơ bản và tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung, chưa có quy định tầng trợ cấp hưu trí xã hội; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng còn hẹp so với yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Tuy nhiên, trong Luật BHXH 2014 có đến 11 nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở” như: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; mức lương hưu hằng tháng thấp nhất; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng cần phải được nghiên cứu sửa đổi để thể chế hóa Nghị quyết số 27- NQ/TW.

Sau khi Luật BHXH 2014 được ban hành, một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung bổ sung liên quan đến Luật BHXH 2014 như chính sách hưởng BHXH một lần; lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, quy định về chế độ tai nạn lao động... dẫn đến yêu cầu cần phải sửa đổi Luật BHXH để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, việc sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành. Đó là, diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống; quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH còn có vướng mắc về cả quy định pháp lý và thực tiễn thực hiện; quy định về công nghệ thông tin, công nghệ, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0...

Việc sửa đổi cũng nhằm đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Xu hướng các quốc gia đều thúc đẩy các hoạt động đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về BHXH nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng khắc phục bất cập trong việc tránh đóng trùng BHXH ở cả hai quốc gia. Luật BHXH 2014 còn thiếu các quy định để tạo thuận lợi hoạt động đàm phán và thực thi Hiệp định, cũng như có đủ quy định pháp lý cho người lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động.

“Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay” – Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Luật BHXH lần này sẽ được sửa đổi căn bản, toàn diện thể chế hóa cơ bản các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về BHXH.

Đặc biệt, việc sửa đổi nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. 

Ảnh minh họa  

Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo.

Đó là, bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28- NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.

Trên cơ sở kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

Xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có đặc điểm tương đồng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia./.

 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương (giữ nguyên số Chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8  Điều so với Luật hiện hành), theo đó nội dung sửa đổi chính tập trung vào 05 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; và Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN