Sớm xây dựng quy định quản lý về dữ liệu y tế thống nhất
(ĐCSVN) - Việc quy hoạch tổng thể, quản lý dữ liệu y tế là cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành Y tế, các Bộ/ngành, đơn vị liên quan, của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế…
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức hội nghị "Tăng cường quản lý dữ liệu y tế".
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của các công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ ở mọi khía cạnh của đời sống và dữ liệu đã trở thành tài nguyên quan trọng và ngày càng có giá trị hơn bao giờ hết.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ Y tế đã xây dựng chương trình chuyển đổi số y tế, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số, phát triển dữ liệu y tế… Trong đó đặc biệt là những kết quả, thành tựu trong việc xây dựng, phát triển các phần mềm dữ liệu y tế.
“Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo lập và triển khai một số cơ sở dữ liệu ngành như: cơ sở dữ liệu về dân số - kế hoạch hóa gia đình, về dược và mỹ phẩm, nhân lực y tế, an toàn thực phẩm, HIV/AIDS, khám, chữa bệnh, bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm, vệ sinh và chất lượng nước sạch; môi trường cơ sở y tế; trang thiết bị y tế…”- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn nêu rõ: nhiều lĩnh vực trong ngành Y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trong thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sẽ tập trung quy hoạch các dữ liệu của ngành với mô hình hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các kho dữ liệu ngành theo từng lĩnh vực quản lý và các dữ liệu mở về y tế được công bố, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân được khai thác, sử dụng theo quy định.
Đẩy mạnh xây dựng, triển khai chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số hiện đại thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực; công tác cấp phép, cấp số đăng ký; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng được đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các Bộ/ngành, đơn vị liên quan triển khai xây dựng, hoàn thiện các quy định về nền tảng tích hợp dữ liệu của Bộ, các tiêu chuẩn đặc tả, kết nối, liên thông dữ liệu cho từng lĩnh vực quản lý của Bộ để hoàn thiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế 3.0 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc quy hoạch tổng thể, quản lý dữ liệu y tế là cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành Y tế, các Bộ/ngành, đơn vị liên quan, của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế…
“Do đặc thù của ngành Y tế, các quy định về chủ quản đối với dữ liệu, thẩm quyền, kết nối, chia sẻ, sử dụng, khai thác dữ liệu y tế cũng cần có hành lang pháp lý được quy định. Chính vì vậy, hiện nay Bộ Y tế xây dựng để trình Chính phủ Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế, đây được định vị là một trong những văn bản quy phạm pháp luật và chính sách trọng tâm về hoàn thiện thể chế số đối với ngành Y tế”- Thứ trưởng thông tin.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dữ liệu y tế được nằm dàn trải ở nhiều bộ, ngành, cơ quan đơn vị, chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu y tế để bảo đảm chia sẻ và liên thông dữ liệu. Thực tiễn hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn vừa qua cho thấy, do thiếu quy định về cung cấp dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị nên các cơ quan ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế gặp khó khăn trong việc điều động nhân lực, trang thiết bị... phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như việc thống kê, xử lý số liệu, phân tích, báo cáo tình hình, xu hướng dịch hay các hoạt động liên quan đến khai báo, kiểm soát dịch.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy định quản lý về dữ liệu y tế thống nhất, đồng bộ, tập trung từ Trung ương đến địa phương, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành y tế; quy định về các nội dung quản lý dữ liệu y tế; phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử./.